Ngày 5/4, GS.TS. BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết trong vòng 48 giờ, đơn vị lập kỷ lục về ghép tạng từ người chết não ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) hiến tặng. Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghép bộ ba tạng gồm tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Đêm 31/3, Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia thông báo điều phối gan, tim, thận từ người chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hiến tặng, ghép cho ba bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế. Bài toán đặt ra là khoảng cách từ Quảng Ninh đến Huế quá xa, hơn 800 km, làm thế nào để đưa tạng về bệnh viện Huế nhanh nhất để kịp ghép cho bệnh nhân.
Về nguyên tắc, trái tim của người hiến phải được đặt vào lồng ngực người nhận trong không quá 6 giờ. Chưa kể, một bệnh nhi cần ghép gan và đây là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Huế ghép gan trên một em bé.
Phương án đưa tạng về Huế được tính toán kỹ, đáp ứng các tiêu chí nhanh nhất, an toàn nhất, đảm bảo thời gian cho phép của tạng hiến, theo GS Hiệp. 8 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108 và Việt Đức. Đêm 1/4, nhóm cùng 120 y bác sĩ, chia thành nhiều kíp, phẫu thuật lấy tạng và chuyển đến các đơn vị ghép.
Gan, tim, thận của người hiến được xe cấp cứu Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vận chuyển đến sân bay Nội Bài kịp chuyến bay về Huế. Cùng lúc đó, ba ê kíp ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị sẵn sàng, phẫu thuật ghép ngay cho ba bệnh nhân, sáng 2/4.
Người nhận tim là một bệnh nhân bị suy tim nặng từng hai lần ngưng tim. Sau 5 giờ ghép, trái tim mới đã đập lại trong lồng ngực người này. Lá gán ghép cho một bệnh nhi bị xơ gan do teo đường mật bẩm sinh, đang trong tình trạng suy kiệt. Một người suy thận được ghép quả thận mới.
Hậu phẫu ngày thứ 3, các bệnh nhân được rút ống thở, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng tạng tốt. Hiện, họ hồi phục tốt, tiếp tục điều trị.
Võ Thạnh