Nói về quan niệm "Trẻ cậy cha, già cậy con", độc giả có nickname 122landover cho rằng: "Làm cha mẹ là người có đủ suy nghĩ để quyết định sinh con hay không. Con cái luôn là người bị động. Nên đã sinh con ra là phải có trách nhiệm với con cái. Nuôi con là trách nhiệm chứ không phải làm ơn cho con cái. Con thương thì mình may mắn còn nó ghét thì do mình tự tạo thôi".
Độc giả có nickname msbambou nói về quan điểm sinh con là ban ơn cho đứa con: "Điều này làm tôi nhớ vụ một thanh niên Ấn Độ kiện cha mẹ vì đã sinh anh ta. Anh ta nói rằng mình không có nhu cầu được có mặt trên cuộc đời này. Vụ kiện không phải vì chuyện ai đúng ai sai, mà là anh ta muốn mọi người có một cái nhìn khác về quan điểm "cha mẹ sinh con ra là một sự ban ơn cho đứa con".
Độc giả Nghia Hoang quan niệm: "Những ai có ý nghĩ về già cậy vào con cái là sống ỷ lại. Từ khi trưởng thành đến lúc về hưu ta có 45 năm sống và làm việc. Trong 45 năm này cách sống và làm việc của chúng ta sẽ quyết định tuổi già của mình. Nếu lười biếng lao động, ăn bám cha mẹ, ăn bám xã hôi, ăn chơi hưởng thụ, không dạy dỗ con cái, sống vô trách nhiệm với gia đình thì về già sẽ ra sao là có đáp án sẵn rồi.
Có những người làm đủ trách nhiệm với con cái mà về già còn chưa được con cái quan tâm thì thử hỏi những người bỏ bê con cái cho chúng sống tự sanh tự diệt thì về già đòi nhờ cậy cái gì".
Độc giả có nickname Peatona cho rằng có những yếu tố, quan niệm cũ cần phải thay thay đổi trong thời hiện đại, một trong số đó là mỗi người phải có trách nhiệm với tuổi già của mình, ngay từ khi còn trẻ:
Cuộc sống phát triển hiện đại ngày càng làm thay đổi nhiều giá trị xã hội mà có lẽ nhiều người không chấp nhận nhưng đó là sự thật. Nhiều gia đình cố gắng đầu tư cho con đi học và định cư ở nước ngoài, vậy hỏi làm sao đòi hỏi con cái chăm sóc mình lúc về già.
Mọi người đều hiểu rằng dù gia đình giàu hay nghèo thì cái người già cần là sự chăm sóc, tình cảm chứ không hẳn là yếu tố tiền bạc. Theo tôi giờ đây mỗi người nên chuẩn bị cho tuổi già của mình từ khi còn trẻ, không chỉ là tài chính mà cái quan trọng hơn hết là sức khỏe. Sống thọ và khỏe, chứ không phải thọ mà đau ốm liên miên.
Người Việt Nam chúng ta sống tình cảm, nên nhiều người già muốn sống và trông cậy vào con cháu như niềm vui. Nếu được như thế đó là hạnh phúc, nhưng chúng ta nên tập sống và nghĩ chỉ cho bản thân ta, để con cháu sống độc lập với cuộc sống của họ. Con cháu yêu mến cha mẹ, ông bà đó là tình cảm mà mỗi gia đình có thể vun đắp cho từng cá nhân từ khi còn bé, nó tự nhiên nảy nở và phát triển chứ không thể ép buộc với lý do trách nhiệm.
Mỗi người sống với lương tâm của mình và làm điều mình thấy hạnh phúc, chứ không phải là gánh nặng. Và giờ đây xã hội không chỉ có những gia đình gồm cha mẹ con cái, mà còn có những gia đình chỉ có hai người, khác giới và đồng giới hay xu hướng thích sống độc thân. Vậy hãy để mọi thứ theo cách phù hợp của từng người đừng ép theo mẫu số chung. Hạnh phúc là cảm giác chứ không phải là cái thể hiện cho thấy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.