Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích vừa quyết định công nhận kết quả giám định và phân chia cổ vật khai quật trên tàu đắm hơn 700 tuổi. Theo đó, gần 5.000 cổ vật được khai quật từ con tàu ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vào tháng 6/2013, được các chuyên gia khảo cổ xác định có niên đại thế kỷ 13, hiếm hoi trên thế giới.
Trong 42 hiện vật độc bản quí hiếm thuộc về quyền sở hữu của nhà nước có 7 loại đồng tiền; 23 đồ gốm sứ gồm bình, âu, nắp, lọ nhỏ, đĩa men trang trí rồng nổi, hoa sen, chim phượng, chén vẽ hoa cúc dây, ấm hai bầu vẽ hoa bèo 3-4 cánh; 11 đồ kim loại làm bằng đồng gồm đĩa, âu, quả cân, đèn, gương tròn là đồ dùng của thủy thủ đoàn; 1 hạt trang sức bằng đá màu xanh hình quả trám có khoan lỗ ở giữa để xỏ dây đeo.
Riêng xác con tàu cổ, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xử lý theo kết quả của Hội thảo khoa học quốc tế, bàn về biện pháp bảo quản, sẽ diễn ra trong thời gian tới. Ngoài các hiện vật độc bản, tỉnh này công nhận kết quả phân chia gần 5.000 cổ vật còn nguyên vẹn theo nguyên tắc doanh nghiệp thực hiện khai quật (công ty TNHH Đoàn Ánh Dương) sở hữu 2 phần, nhà nước sở hữu 1 phần.
Trao đổi với VnExpress sáng 5/5, ông Đoàn Sung, cố vấn công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cho biết, sau khi phân chia cổ vật, doanh nghiệp phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi lập báo cáo khoa học, soạn thảo in sách, dựng lại bộ phim về quá trình khai quật cổ vật trong con tàu chìm được cho là "hiếm hoi thế giới" này.
"Về số lượng cổ vật được chia, doanh nghiệp sẽ trưng bày ở bảo tàng cổ vật tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với chủ đề về những con tàu đắm theo con đường tơ lụa trên biển. Phần cổ vật còn lại, công ty sẽ tham gia xã hội hóa bảo tàng tại Quảng Ngãi trưng bày giới thiệu khách tham quan", ông Sung nói.
Hiện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang trình phương án thăm dò, khảo sát cổ vật trên diện rộng vùng biển Bình Châu cho UBND tỉnh. Theo ông Sung, nếu được phép, trong tháng 5, công ty tiếp tục thăm dò, khảo sát trong bán kính 150m tính từ tâm con tàu chứa cổ vật hơn 700 tuổi này. Việc này cũng được cho là để phục vụ nghiên cứu, bảo tồn kết hợp với du lịch lặn biển.
Trí Tín