Làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phía trước tiếp giáp với biển, sau lưng là những triền cát cao sừng sững. Giữa làng lõm sâu hình vòng cung vào sát khu dân cư, người dân địa phương hay gọi là eo biển Vũng Tàu.
Ông Võ Dưng (80 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển cho biết, thuở trước nghe ông bà kể lại ở đây từng có cửa lạch nối thông từ eo biển Vũng Tàu vào gần sát chợ thôn. Tàu thuyền chở hàng hóa, gốm sứ từ ngoài biển men theo con mương này vào bán rồi đổi lấy lương thực, mua nước ngọt quay trở ra biển tiếp tục hành trình về phương Nam. Đến khoảng năm 1945, con mương này bị vùi lấp tạo nên những động cát lớn như ngày nay.
Ông Dưng kể, người dân trong thôn đào móng xây nhà từng phát hiện một số neo tàu bằng gỗ màu đen vùi sâu dưới lớp cát (vết tích của mương Bàn Thủ trước đây). Thậm chí có người đào lên phát hiện hài cốt người đàn ông to lớn, nghi là thủy thủ người nước ngoài chôn cất tại đây sau khi tử nạn trong một vụ chìm tàu. Điều này phần nào lý giải vì sao ở eo biển Vũng Tàu có nhiều tàu thuyền chìm ở ngay sát bờ như vậy.
Theo ngư dân địa phương, họ đã phát hiện ít nhất 7 con tàu chứa cổ vật, khoáng sản chìm ở vùng biển Bình Châu, Bình Trị chứ không dừng lại số 3 con tàu được cơ quan chức năng khảo sát, khai quật công khai từ năm 1999 đến nay. Ông Ngô Khối (69 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển nhớ, 20 năm trước, trong lúc lặn hải sản, nhiều ngư dân lần đầu tiên phát hiện con tàu gỗ chứa nhiều cổ vật chìm dưới nước ở khu vực Hòn Nhàn cách bờ khoảng 150m. Sau đó, họ lần lượt phát hiện tàu cổ chìm dưới rạng san hô ở Hòn Khô, đều ở vùng biển Bình Châu cách bờ khoảng 10 m.
Ông Khối mô tả, chiếc tàu này dài khoảng 25 m, ngang hơn 5 m, chở hàng tấn chì (mỗi phiến lớn dài hai gang tay, nặng khoảng 5 kg) nằm vương vãi khắp nơi trên lớp bùn cát đáy biển. Ngư dân trục vớt chì cho vào các bao tải rồi mang vào bờ, sau đó bán lấy tiền. Còn xác tàu chi chít vết tích cháy nham nhở sau đó cũng bị sóng đánh rã nát theo thời gian.
Không chỉ phát hiện tàu chở gốm sứ cổ chìm đắm, nhiều ngư dân còn trục vớt được "kho tiền cổ", làm bằng đồng có lỗ vuông ở giữa và thuộc nhiều niên đại khác nhau, trên con tàu chìm ở vùng biển xã Bình Trị, cách bờ khoảng 500m. "Thoạt đầu lặn thấy con tàu này, anh em ngư dân ai cũng nghĩ gặp được 'kho vàng' nên đổ xô hốt cho vào bao. Đến khi đưa lên bờ mới biết đây là tiền đồng thời xưa. Chúng tôi còn vớt được một số khối tiền đồng tan chảy, kết dính lại với nhau đen nhẻm màu than tro", ngư dân Trần Văn Anh thuật lại.
Còn ngư dân Tiêu Viết Lành ở thôn Châu Thuận Biển cho hay, không phải lần nào họ cũng tìm thấy những cổ vật quý giá trên những con tàu chìm. Rùng mình khi nhớ lại chuyện của mình, anh Lành kể, trong một lần lặn tôm nhí ở khu vực Ghềnh Ráng (vùng biển Bình Châu) đã phát hiện hài cốt loài ngựa, hộp sọ người ở trong con tàu đắm. "7 năm về trước, khi lặn thấy hộp sọ người nằm trong phần đáy tàu gỗ dưới đáy biển Ghềnh Ráng, tôi hoảng sợ, tìm mọi cách cố ngoi lên mặt nước bơi vội vào bờ. Khoảng hai năm sau tôi cùng một số ngư dân mới dám quay lại thì không còn thấy hộp sọ ấy đâu nữa", anh Lành kể.
TS Ðoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định, việc ngư dân liên tục phát hiện nhiều con tàu cổ chìm ở Bình Châu có thể xem vùng biển này là "nghĩa địa tàu cổ". Các đoàn tàu của thương gia phương Bắc trên đường hành trình về phương Nam, mỗi khi gặp gió bão thường ghé vào eo biển Vũng Tàu neo đậu, trao đổi mua bán, tiếp tế lương thực, nước ngọt…
Còn TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó các thương lái miền xuôi thường mang đến vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ… rồi sau đó bán buôn, trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống.
Trong khi đó, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho biết thêm, 5 năm trước, một nhà khoa học nước ngoài đã vẽ ra một bản đồ cho những con đường thương mại trên biển, trong đó có mũi tên hướng vào Quảng Ngãi.
Trong hai cuộc khảo sát, khai quật 2 con tàu chìm chứa "kho cổ vật" ở vùng biển Bình Châu vào năm 1999 và tháng 6/2013, các nhà khảo cổ học đều khẳng định hai con tàu cổ này đều bị cháy trước khi chìm xuống biển. “Điều bất ngờ là một số tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu đều có vết tích cháy đen do hỏa hoạn gây ra. Có thể do các thủy thủ sơ ý hoặc do bị cướp biển tấn công”, TS Việt tiên đoán.
"Vì sao rất nhiều thuyền buồm bị chìm ở vùng biển Bình Châu vẫn còn là điều bí ẩn. Các chủ nhân của những con tàu cổ này thuộc quốc gia nào, chất liệu gỗ, kỹ thuật đóng tàu... đến nay đều còn là ẩn số, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được", TS Khôi nói.
Tháng 10 tới, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến tổ chức hội thảo tầm quốc gia để thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khảo cổ về kinh nghiệm bảo quản xác tàu cổ và một số vấn đề liên quan đến "nghĩa địa tàu cổ" còn nhiều kỳ bí ở vùng biển nơi đây.
Trí Tín