Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward (MFP), ngày 13/7 không thể nhận đủ tối thiểu 375 phiếu ủng hộ tại lưỡng viện quốc hội để đắc cử thủ tướng Thái Lan và thành lập nội các mới. Tuy nhiên, đây không phải là thách thức lớn nhất mà chính trị gia 42 tuổi đang đối mặt.
Ông có nguy cơ đánh mất cả cơ hội trở thành thủ tướng lẫn ghế nghị sĩ nếu nhận phán quyết bất lợi từ Tòa án Hiến pháp, liên quan khiếu nại về 42.000 cổ phiếu thuộc công ty truyền thông iTV. Đây là một phần khối tài sản mà Pita thừa kế từ người bố quá cố, Pongsak Limjaroenrat, khoảng 17 năm trước.
Đài iTV được cấp phép hoạt động trong mảng truyền hình và phát thanh từ năm 1995 theo hợp đồng 30 năm ký kết với chính phủ Thái Lan, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thương mại Siam và tập đoàn truyền thông Nation.
Vào thời điểm đó, iTV được ca ngợi là "biểu tượng tự do ngôn luận" ở Thái Lan, một trong những kênh truyền hình hoạt động độc lập đầu tiên sau giai đoạn quân đội nắm quyền vào đầu thập niên 1990. Khi lần đầu lên sóng vào tháng 7/1996, iTV trở thành đài truyền hình đầu tiên tại Thái Lan phát tin thời sự cả ngày, thay vì bản tin mỗi tối.
Năm 2000, tập đoàn công nghệ Shin Corp, có cổ phần của gia tộc Shinawatra, thâu tóm iTV, dẫn đến làn sóng phản đối của nhân viên đài và khiến tập đoàn truyền thông Nation chấm dứt hợp tác. Đài iTV trong những năm sau đó không thể cân bằng thu chi, tích lũy nhiều khoản nợ lớn.
Đến năm 2006, chính phủ Thái Lan cáo buộc iTV vi phạm hợp đồng về chương trình truyền hình, đòi xử phạt 97,76 tỷ baht cộng với phí hoạt động 2,21 tỷ baht. Một năm sau, chính phủ rút giấy phép hoạt động của iTV và chuyển cho đài Thai PBS. Đài cũng ngừng phát sóng từ ngày 8/3/2007 và đến năm 2014 ngưng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan.
Năm 2019, trong tờ trình gửi Ủy ban Bầu cử Thái Lan trước khi tuyên thệ nhậm chức nghị sĩ với tư cách thành viên đảng Future Foward (FFP), ông Pita đã khai báo về số cổ phiếu mà mình đại diện gia đình nắm giữ trong iTV. Ông cũng giải thích đã cố gắng nhượng lại phần tài sản này trong nhiều năm qua nhưng không tìm được người mua.
Hiến pháp mới của Thái Lan, được chính quyền quân sự thông qua sau cuộc chính biến năm 2014, cấm công dân nắm cổ phần công ty truyền thông ứng cử vào vị trí công quyền, trong đó có quốc hội và chính phủ. Nhưng ông Pita đã không vấp phải khiếu nại nào liên quan cổ phần ở iTV khi nhậm chức nghị sĩ vào năm 2019.
Các chính trị gia thân quân đội năm đó nhắm đến lãnh đạo FFP Thanathorn Juangroongruangkit, cũng với cáo buộc ông nắm cổ phần trong một công ty truyền thông. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ tư cách nghị sĩ của Thanathorn trước ngày bỏ phiếu bầu thủ tướng, rồi đến đầu năm sau ra phán quyết giải thể đảng FFP với các cáo buộc vi phạm luật bầu cử.
Số cổ phiếu trong iTV chỉ trở thành gánh nặng chính trị với ông Pita sau khi đảng MFP trỗi dậy mạnh mẽ trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Nhà hoạt động chính trị Ruangkrai Leekitwattana ngày 10/5 gửi đơn khiếu nại cho Ủy ban Bầu cử, yêu cầu điều tra về số cổ phiếu của Pita.
Hơn 4 ngày sau khi lá đơn được công bố, MFP giành chiến thắng chấn động trong cuộc tổng tuyển cử và Pita tuyên bố thành lập liên minh cầm quyền 8 đảng. Pita cho rằng đơn khiếu nại không có căn cứ, bởi iTV không còn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông suốt nhiều năm.
Nhưng Ruangkrai lập luận rằng iTV vẫn chưa giải quyết xong một vụ kiện khác với chính phủ về tiền hoạt động trước khi hủy hợp đồng vào năm 2007, nên công ty vẫn còn liên quan lĩnh vực truyền thông. Bên cạnh đó, công ty trên thực tế vẫn đang có hoạt động sinh lợi nhuận thông qua các khoản đầu tư.
Giữa sức ép dư luận, ông Pita ngày 6/6 thông báo đã thảo luận lại cùng người thân trong gia đình về cổ phần trong iTV và thống nhất đổi người đại diện đứng tên sở hữu 42.000 cổ phiếu, tránh kéo dài những hoài nghi về cá nhân ông.
Tuy nhiên, tranh cãi vẫn không chấm dứt. Ruangkrai lập luận dù cho ông Pita có bán đi cổ phần, khiếu nại của mình vẫn hợp lý vì chính trị gia 42 tuổi còn sở hữu cổ phiếu khi nộp đơn tranh cử vào năm 2019 và cuộc tổng tuyển cử năm nay.
"Dù ông ấy có bán cổ phần sau khi được MFP đề cử làm ứng viên cho vị trí thủ tướng, hành động vi phạm đã xảy ra từ trước", Ruangkrai nói.
Pattana Ruanjaidee, giảng viên luật của Đại học Ramkhanghaeng, tin rằng sự nghiệp chính trị của Pita sẽ không bị ảnh hưởng bởi cổ phần gia đình Limjaroenrat trong iTV. Trên phương diện pháp lý, ứng viên đảng MFP không "sở hữu" cổ phần, mà đây là tài sản mà người người bố quá cố để lại cho gia đình. Ông chỉ được tòa án chỉ định vào năm 2006 đại diện cho những người có tên trong danh sách thừa kế quản lý số cổ phiếu.
Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý Thái Lan Jade Donavanik cho rằng mấu chốt của vụ kiện là iTV có còn được xem là công ty truyền thông hay không, dù cho ông Pita hiện không còn đứng tên số cổ phiếu gây tranh cãi.
Một số biên bản họp của Intouch Holding Plc, công ty quản lý iTV với 52,92% cổ phần, cho thấy CEO Kim Siritaweechai xác nhận với cổ đông Phanuwat Kwanyuen rằng công ty còn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Những biên bản này được đính kèm trong đơn khiếu nại được Ruangkrai gửi tới Ủy ban Bầu cử hồi tháng 5.
Đài truyền hình 3 Dimension News sau đó tung ra đoạn băng ghi âm chứng minh biên bản họp bị phát tán của Intouch đã không dẫn lại chính xác phát ngôn của ông Kim Siritaweechai. Đoạn ghi âm cho thấy ông Kim thật ra đã bác bỏ thông tin iTV còn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Trong báo cáo vào đầu tháng 6 gửi Cơ quan Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), Intouch cho biết đang tiến hành điều tra nội bộ nguyên nhân biên bản bị ghi chép sai lời của CEO Kim và phát tán trái quy định.
Bất chấp các tình tiết mới xuất hiện về cáo buộc nhắm vào iTV, Ủy ban Bầu cử Thái Lan ngày 12/7 vẫn đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita trong lúc tòa xem xét vụ kiện, dù ông là ứng viên duy nhất cho ghế thủ tướng.
Đại diện MFP đã lập tức phản ứng với động thái của Ủy ban Bầu cử, cáo buộc cơ quan này không tuân theo các quy định do chính mình đề ra, có dấu hiệu lạm quyền để vi phạm pháp luật. Ông Pita cũng tái khẳng định rằng iTV từ lâu đã không còn hoạt động trong lĩnh vực truyền hình và công ty cũng không thu về lợi nhuận từ kênh truyền hình đã bị cắt sóng.
"Tôi không hưởng lợi ích nào từ đơn vị truyền thông đã ngừng mọi hoạt động 17 năm trước", ứng viên thủ tướng của MFP nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng ông không đối mặt bất kỳ kiện tụng nào trong 4 năm giữ ghế nghị sĩ dù đã trình báo đầy đủ về số cổ phiếu ở iTV với Ủy ban Chống Tham nhũng và Ủy ban Bầu cử. "Rắc rối chỉ xuất hiện đúng một ngày trước buổi bỏ phiếu bầu thủ tướng ở quốc hội".
Thanh Danh (Theo Nation, Bangkok Post, Thai PBS, Thaiger, TIME)