Cách đây 40 năm, nhờ phân tích các văn bản tiếng Đức và tiếng Nhật, các nhà khoa học Trung Quốc đã cặm cụi tính toán trong sổ tay của mình và dán những mảnh báo lại với nhau để thiết kế một khí cầu nghiên cứu mà họ hy vọng có thể bay đến rìa vũ trụ.
Khi một nguyên mẫu đã sẵn sàng, nhóm chuyên gia từ Viện Khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm nó vào dịp Tết Trung thu, thời điểm người dân nước này thường thả đèn trời theo truyền thống. Khí cầu của họ, có kích thước bằng một khí cầu du lịch nhỏ và được gắn thiết bị để phát hiện một loại hạt vũ trụ năng lượng cao, đã tiến vào tầng bình lưu thành công, theo một bài báo của Xinhua. Nhóm đặt tên cho nó là "HAPI", với cách đọc gần giống từ "happy", có nghĩa là "hạnh phúc" trong tiếng Anh, dường như để phản ánh tâm trạng của mình lúc ấy.
Trong 40 năm sau đó, chương trình khí cầu tầm cao của Trung Quốc liên tục phát triển. Bắc Kinh cho biết nỗ lực này của họ hoàn toàn phục vụ khoa học. Nhưng Washington lại nhìn thấy ở đó những tham vọng lớn hơn, đặc biệt là sau sự việc một khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời bang Montana, miền tây Mỹ, hồi cuối tháng 1 và hoạt động trên lãnh thổ Mỹ suốt 7 ngày, bay cao hơn rất nhiều so với tầm hoạt động của phi cơ phản lực.
Mỹ mô tả đây là một "khí cầu do thám" liên quan đến quân đội Trung Quốc, song Bắc Kinh khẳng định khí cầu chỉ được sử dụng "cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng" và đã bay chệch hướng vào lãnh thổ Mỹ. Trung Quốc tiếp tục đưa ra lời giải thích tương tự khi một khí cầu khác giống như vậy xuất hiện ở châu Mỹ Latinh.
Khi tiêm kích Mỹ bắn hạ khí cầu này, Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt, chỉ trích Mỹ "phản ứng thái quá", cam kết bảo vệ lợi ích của một "công ty liên quan", nhưng từ chối trả lời những câu hỏi về nguồn gốc hay sứ mệnh mà khí cầu này thực hiện.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người từng khẳng định Bắc Kinh đã nhiều lần cung cấp thông tin về khí cầu, hôm 8/2 cáo buộc Mỹ đang muốn gây "chiến tranh thông tin".
Mỹ cùng ngày cho biết đơn vị sản xuất khí cầu trên có quan hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc, lưu ý rằng họ đã quảng cáo các sản phẩm khí cầu trên trang web của mình cùng với video về những chuyến bay trước đây.
Trung Quốc lâu nay vẫn ca ngợi một nhóm viện nghiên cứu và doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn, trong đó có Học viện Khoa học do chính phủ điều hành ở Bắc Kinh, vì góp công lớn thúc đẩy năng lực phát triển khí cầu tầm cao của nước này, theo một số tài liệu được công bố trên trang web các tổ chức, báo cáo từ chính phủ và những nhà phân tích công nghiệp nước ngoài.
Các hồ sơ được công khai cũng cho thấy những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã đóng vai trò như thế nào trong chương trình phát triển khí cầu của nước này.
Học viện Khoa học Trung Quốc, nơi thực hiện các thử nghiệm ban đầu và hiện là trung tâm phát triển khí cầu hàng đầu, năm 2017 công bố kế hoạch thành lập một cơ sở thử nghiệm bay khí cầu tại huyện Tứ Tử Vương, khu tự trị Nội Mông.
Tài liệu về chương trình khí cầu Trung Quốc chỉ ra một động lực lớn đối với họ: Năng lực chế tạo khí cầu tinh vi của Mỹ. Các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc thường bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với những thành tựu khí cầu Mỹ đạt được, trong đó có những chương trình của Cơ sở Khí cầu Khoa học Columbia ở Texas, thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA). Theo công ty ảnh vệ tinh Planet Labs có trụ sở tại California, Mỹ, bãi phóng Nội Mông sở hữu nhiều điểm tương đồng với cơ sở của NASA.
NASA cho hay các khí cầu bằng polyetylen chứa khí heli của họ, chuyên thực hiện những cuộc thăm dò khoa học và công nghệ ở độ cao lớn, không liên quan đến quân đội Mỹ.
Khinh khí cầu của NASA thường có kích thước rất lớn, gấp hơn 20 lần kích thước ước tính của khí cầu Trung Quốc được phát hiện ở Montana. Lầu Năm Góc đã từ chối so sánh năng lực của chương trình khí cầu Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài một số ít tài liệu được công khai, Bắc Kinh chủ yếu giữ bí mật với chương trình khí cầu của mình. "Trung Quốc rất kín tiếng với thông tin họ chia sẻ về chương trình khí cầu", Luis E. Pacheco, biên tập viên từ StratoCat, một cơ sở dữ liệu tại Argentina chuyên theo dõi lĩnh vực này, cho biết. Hiện chưa rõ đơn vị nào đã chế tạo khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ.
Công ty Nghiên cứu và Thiết kế Cao su Chu Châu, trụ sở ở tỉnh Hồ Nam, mô tả mình là nhà sản xuất khí cầu khí tượng lớn nhất Trung Quốc và cho biết họ chuyên sản xuất các "vỏ khí cầu" khổng lồ. Công ty Cao su Chu Châu thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn nhà nước Sinochem thông qua một công ty niêm yết ở Thượng Hải mang tên Công nghệ và Khoa học Hóa chất Haohua.
Một quỹ của chính phủ Trung Quốc được thành lập để đảm bảo rằng các công nghệ mới mang lại lợi ích cho lực lượng vũ trang đã đầu tư vào Haohua, theo hồ sơ công bố trên thị trường chứng khoán. Công ty Cao su Chu Châu từng cho biết mình là nhà cung cấp sản phẩm cho Bộ Tham mưu Liên quân của quân đội Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về chiến lược và sẵn sàng chiến đấu.
Haohua và Sinochem không trả lời các câu hỏi về hoạt động khí cầu của họ.
Khí cầu cũng được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cũng như Viện nghiên cứu 38 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, một thực thể khác bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nơi đã thực hiện các cuộc thử nghiệm khí cầu tầm cao ban đầu, vẫn tham gia vào lĩnh vực này thông qua nhiều chi nhánh, trong đó có Viện nghiên cứu Thông tin Hàng không Vũ trụ.
Viện này trình bày trên trang web của mình cách một loại khí cầu gắn mặt đất có thể tạo ra "hệ thống kết nối trên không" bằng tia laser để đảm bảo liên lạc bảo mật giữa hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu với máy bay không người lái (UAV) và thiết giáp chở quân. Năm ngoái, nó đã đạt kỷ lục về độ cao với dây cáp dài 5.000 mét gắn vào khối đế nặng 90 tấn.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng điều hành Học viện Quang điện tử, một trung tâm chuyên nghiên cứu về khí cầu. Một thông báo trên trang web của học viện cho biết trung tâm khí cầu này được thành lập năm 2005 và hợp tác với một chi nhánh thuộc AVIC mang tên Viện 605.
Theo giới quan sát, nhiều bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc thường đề cập đến khí cầu tầm cao như một công cụ phục vụ mục đích quân sự, trong đó có một bài báo đăng năm nay kết luận rằng liên lạc bằng laser có "triển vọng phát triển rộng rãi trong các lĩnh vực liên lạc khẩn cấp và hoạt động quân sự".
Khí cầu từ lâu đã được nhiều nước sử dụng để phục vụ mục đích quân sự, đặc biệt trong Thế chiến I. Trong Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ đã lắp camera trên khí cầu để tiến hành các hoạt động do thám trên lãnh thổ Liên Xô.
Chuyên gia Pacheco từ StratoCat cho rằng khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ có một điểm bất thường là nó có hình dạng nhẵn nhụi, chứ không phải hình quả bí ngô như hầu hết các loại khí cầu hiện đại.
John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thì nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục chương trình khí cầu do thám và cố gắng cải thiện năng lực này phục vụ mục đích quân sự. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng nâng cao hiểu biết của mình về năng lực đó và ý định của Trung Quốc", Kirby nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)