Sáng ngày 29/1/1979, Tổng thống Jimmy Carter chào đón Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền năm 1949. Chuyến thăm này không chỉ tượng trưng cho việc chấm dứt những gì Đặng Tiểu Bình mô tả là "giai đoạn khó chịu giữa Mỹ và Trung Quốc trong 30 năm" mà còn mở ra một kỷ nguyên mới trong địa chính trị toàn cầu và sự phát triển của Trung Quốc sau đó, theo SCMP.
Đặng Tiểu Bình học hỏi từ Mỹ cách hiện đại hóa đất nước, ông đến thăm các nhà máy nước có gas, máy bay và trung tâm của NASA. Kể từ khi ông Đặng khởi xướng chính sách mở cửa năm 1978, Trung Quốc tự biến đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và bị cô lập về chính trị thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có sức ảnh hưởng quốc tế.
Năm 1949 - 1978, chỉ 200.000 người Trung Quốc đi nước ngoài. Còn chỉ riêng năm ngoái, họ đã thực hiện 130,5 triệu chuyến đi nước ngoài và 139 triệu lượt người nước ngoài đến Trung Quốc.
Kể từ sau khi mở cửa kinh tế, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trở nên thực dụng và linh hoạt hơn, với nỗ lực tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước láng giềng, đặc biệt là những nền kinh tế trỗi dậy của châu Á như Nhật, Hàn và Singapore.
Ông Đặng đưa ra chính sách đối ngoại "náu mình": "Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế. Duy trì ẩn mình và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu". Ông Đặng lập luận rằng Trung Quốc phải tập trung vào phát triển kinh tế chứ không phải phát triển bằng cách tập trung vào các vấn đề đối ngoại và xây dựng quân đội quá mức.
Zhiqun Zhu, giáo sư về quan hệ quốc tế và giám đốc Học viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell, Pennsylvania nói rằng mấu chốt trong chính sách ngoại giao của Đặng Tiểu Bình là duy trì một môi trường khu vực và toàn cầu hòa bình để thúc đẩy phát triển trong nước. "Cách tiếp cận đó đã giúp Trung Quốc phát triển sau năm 1978", ông nói. "Những người kế nhiệm của Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thừa hưởng cách tiếp cận này và đây được chứng minh là một lựa chọn khôn ngoan".
Sau khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, Trung Quốc đã củng cố quan hệ với Mỹ bằng cách nhanh chóng chia buồn và lên án tất cả hoạt động bạo lực của khủng bố. Bắc Kinh ủng hộ kêu gọi hợp tác quốc tế của Mỹ, trong đó có việc thực hiện nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về lên án vụ tấn công.
Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 là sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của họ và điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ sự chấp thuận của Washington. Việc Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký kết Đạo luật Quan hệ Mỹ - Trung năm 2000 đã khiến Bắc Kinh có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ và mở đường cho việc gia nhập WTO.
Năm 2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick xác định chính sách đối với Bắc Kinh của Washington là khuyến khích Trung Quốc trở thành một "bên có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế.
Sự biến đổi kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 1978 còn lớn hơn Mỹ vào giai đoạn 1870 - 1914, khi họ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách kinh tế năm 1978, kinh tế Trung Quốc chỉ bằng 5% so với Mỹ, với GDP bình quân đầu người ngang bằng quốc gia ở nam châu Phi Zambia.
Từ sau 1978, Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP trung bình gần 10% hàng năm cho đến năm 2014, GDP bình quân đầu người tăng gấp gần 50 lần, từ 155 USD năm 1978 lên hơn 8.000 USD năm ngoái và hơn 700 triệu người thoát nghèo.
Trung Quốc không chỉ là một nền kinh tế mới nổi mà đã trở lại là một cường quốc kinh tế toàn cầu (Trung Quốc từng chiếm gần 30% nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 15 và 16).
Với sự phát triển ngày càng tăng, chính sách đối ngoại và ngoại giao của Trung Quốc đã có biến đổi to lớn dưới sự cầm quyền của Tập Cận Bình, người được bầu làm Tổng bí thư Trung Quốc cuối năm 2012 và trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013.
Không có lãnh đạo Trung Quốc nào hoạt động tích cực về mặt ngoại giao như ông Tập. "Giấc mơ Trung Hoa" đầy tham vọng của ông đã thay thế chính sách ngoại giao "náu mình" của ông Đặng Tiểu Bình. Hai mục tiêu của ông là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá giả về mọi mặt vào năm 2021 và phục hưng Trung Hoa vào năm 2049. Giới chuyên gia cho rằng chúng có thể được hiểu là tăng trưởng kinh tế và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc có ảnh hưởng với thế giới.
Bắc Kinh chủ động và tự tin hơn trên trường quốc tế với các chính sách quân sự và an ninh ngày càng quyết liệt hơn. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Tập đã thu hút nhiều lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc và tổ chức 5 hội nghị thượng đỉnh thế giới lớn. Không có lãnh đạo Trung Quốc nào công du nhiều hơn ông trong thời gian ngắn như vậy: ông Tập đã có 28 chuyến đi đến 56 quốc gia trên khắp 5 châu trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trung Quốc cũng chưa bao giờ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế toàn cầu như vậy. Bắc Kinh đã khởi xướng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới và sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, tất cả những hành động này đều gây tranh cãi, ít nhất là trong mắt các nhà ngoại giao Mỹ - những người thấy đây là động thái làm suy yếu sự quản trị của các tổ chức do Mỹ dẫn dắt như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Với sự phát triển này, Trung Quốc đã khiến cả các đối thủ lẫn những nước láng giềng nhỏ lo lắng. Kết quả là mối quan hệ của họ với Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng trở nên tệ hơn trong những năm gần đây.
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản về sức ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu đã gia tăng. Cả hai đều tìm cách xác định lại vai trò của họ trong bối cảnh môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng. Họ có mâu thuẫn về vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ và chính sách an ninh.
Mỹ từng bước tái cấu trúc chính sách với Trung Quốc trong 7 năm qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng chiến lược "xoay trục sang châu Á" nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc với đề xuất triển khai 2/3 khí tài hải quân của Mỹ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Obama cũng đưa Mỹ tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia khác, trong đó không có Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng xấu đi dưới thời Trump. Trong một số tài liệu chính thức, Mỹ xác định Trung Quốc như một "đối thủ lớn" tìm cách "làm suy yếu nền kinh tế, lợi ích và giá trị của Mỹ".
Hai nước đang lâm vào cuộc chiến thương mại khi Trump áp đặt thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến Bắc Kinh tung đòn đáp trả. Trump muốn gây sức ép khiến Bắc Kinh thay đổi những điều Mỹ cho là hành động thương mại không công bằng như trợ giá hay ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Nhiều chiến lược gia ở Washington cho rằng Trung Quốc không chỉ ngày càng quyết liệt hơn trong việc cạnh tranh thương mại với Mỹ mà còn nhắm đến cả những mặt như quân sự và địa chính trị. Điều này có thể báo hiệu sự hồi sinh của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
"Từ một chính sách ẩn mình, thực dụng, thúc đẩy bởi phát triển kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chuyển sang một chính sách đối ngoại phô diễn, quyết liệt, và thúc đẩy bởi tính cá nhân dưới thời ông Tập", Yun Sun, chuyên gia thuộc Trung tâm Stimson, tổng kết hơn 4 thập niên ngoại giao của Trung Quốc.