Trong bức ảnh in trên tờ thông báo tìm người thất lạc, Yukari Yokoyama nhìn thẳng về phía máy ảnh, mỉm cười hồn nhiên. Bức ảnh chụp hơn 20 năm trước là một trong những kỷ vật còn sót lại của con gái mà cha mẹ Yokoyama giữ được sau khi cô bé 4 tuổi mất tích ở thành phố Ota, tỉnh Gunma, cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía bắc, vào tháng 7/1996.
Giờ đây, cảnh sát tỉnh Gunma đưa ra thông báo cuối cùng, kêu gọi mọi người báo tin cho nhà chức trách nếu từng nhìn thấy Yokoyama. Thời điểm mất tích, Yokoyama đi cùng bố tới một tiệm trò chơi pachinko. Những thông tin mà cảnh sát có không quá nhiều, nhưng nó có thể nắm giữ chìa khóa cho vụ mất tích của cô bé.
Nó cũng có thể làm sáng tỏ cái chết của 4 bé gái khác trong 17 năm trước đó, bởi nhà chức trách tin rằng Yokoyama dường như là nạn nhân cuối cùng của một kẻ giết người hàng loạt rình rập ở Gunma. Thi thể những bé gái khác đều đã được tìm thấy, chỉ còn lại Yokoyama.
Nhằm nhấn mạnh vụ án vẫn tiếp tục được điều tra theo hướng người mất tích, cảnh sát mới đây công bố thêm hình ảnh phác họa theo tưởng tượng của họa sĩ về chân dung của Yokoyama hiện tại, ở tuổi 28. 6 triệu yên (56.000 USD) là giải thưởng dành cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp tìm ra cô. Dù vậy, sau gần 4 thập kỷ, nhiều chuyên gia cho rằng việc tìm ra thủ phạm thực sự là một nhiệm vụ vô cùng gian nan.
Vụ án cũng gây chú ý với việc cảnh sát bị cáo buộc ép cung, buộc một người đàn ông thiểu năng nhận thức nhận tội vào năm 1991. Người này bị bắt và kết tội giết người trong vụ sát hại nạn nhân thứ 4. Ông phải ngồi tù 18 năm và chỉ được miễn tội khi một nhà báo địa phương tìm ra lỗ hổng trong vụ án.
"Tôi sợ rằng việc xác định thủ phạm những vụ giết người này giờ đây thực sự khó khăn", Shinichi Ishizuka, giáo sư luật, giám đốc trung tâm nghiên cứu tội phạm học thuộc Đại học Ryukoku ở Kyoto, nhận định. "Thời gian đã trôi qua quá lâu. Mọi người không thể nhớ rõ họ đã làm gì, ở đâu. Còn quá nhiều câu hỏi về cuộc điều tra và các chứng cứ".
Nạn nhân đầu tiên là Maya Fukushima, 5 tuổi, mất tích ghi đang chơi tại một ngôi đền gần nhà của cô bé ở thị trấn Ashikaga, cách thành phố Ota chưa đầy 10 km, vào tháng 8/1979. 6 ngày sau khi mất tích, thi thể không có quần áo của cô bé được tìm thấy bên trong một chiếc ba lô gần sông Watarase.
Tháng 11/1984, Yumi Hasebe, 5 tuổi, mất tích tại một cửa hàng trò chơi pachinko, Thi thể cô bé được tìm thấy 16 tháng sau đó trên một cách đồng cách nhà khoảng hai km.
Vụ án thứ ba xảy ra vào tháng 9/1987. Nạn nhân là Tomoko Oosawa, 8 tuổi. Thi thể cô bé được phát hiện 14 tháng sau đó bên bờ sông Tone.
Mami Matsuda, 4 tuổi, biến mất khỏi một cửa hàng trò chơi pachinko khác vào năm 1990 và được tìm thấy đã tử vong ngay hôm sau bên bờ sông Watarase.
Vụ mất tích vào tháng 7/1996 của Yukari Yokoyama có một số điểm tương đồng với 4 vụ trước, bao gồm việc nạn nhân mất tích từ tiệm trò chơi pachinko.
Năm 1990, bước đột phá trong quá trình điều tra vụ sát hại Matsuda lập tức thu hút chú ý từ truyền thông và công chúng. Năm 1991, cảnh sát thông báo bắt Toshikazu Sugaya, dân địa phương, lái xe buýt và được biết đến là người thiểu năng nhận thức, theo Ishizuka từ Đại học Ryukoku.
Bản án đối với Sugaya được đưa ra phần lớn dựa vào lời thú tội và bằng chứng ADN. Sugaya thừa nhận đứng sau hai vụ giết người khác nhưng không bị kết án.
Năm 2007, phóng viên Kiyoshi Shimizu lật lại vụ án và xác định rằng mẫu ADN dùng để kết tội Sugaya không rõ ràng. Shimizu thuyết phục nhà chức trách làm lại xét nghiệm ADN với những công nghệ hiện đại hơn. Kết quả mới cho thấy Sugaya không phải kẻ sát nhân.
Các yếu tố không rõ ràng khác của vụ án cũng nhanh chóng bị chỉ ra. Theo đó, nhân chứng có thể minh oan cho Sugaya đã không được trình bày trước tòa, và dòng thời gian trong lời nhận tội của Sugaya cũng không hợp lý.
Sau 18 năm ngồi tù, Sugaya được trả tự do vào tháng 5/2009. Ông cho biết mình nhận tội sau khi bị cảnh sát Fumio Hashimoto, người phụ trách cuộc điều tra, ép cung. Phiên tòa xét xử lại vào năm 2010 chỉ ra rằng ông hoàn toàn vô tội.
Cùng năm đó, phóng viên Shimizu đưa tin đã xác định được nghi phạm mới có ADN khớp với vụ Matsuda. Camera an ninh cho thấy người đàn ông nói chuyện với các bé gái trong trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, vụ án Matsuda đã hết thời hiệu tố tụng 25 năm nên cảnh sát không thể bắt nghi phạm.
Họ cũng từ chối trả lại chiếc áo có dính tinh dịch của kẻ sát nhân về cho gia đình nạn nhân, vì thế các xét nghiệm độc lập khó được thực hiện. Phóng viên Shimizu tin rằng cảnh sát đã sai sót khi xét nghiệm ADN hoặc làm giả kết quả nhưng không dám thừa nhận vì các xét nghiệm tương tự đã được sử dụng để kết tội một người đàn ông khác.
Đó là Michitoshi Kuma, người bị kết tội sát hại hai cô gái trẻ ở thành phố Iizuka năm 1992. Kuma, 70 tuổi, bị treo cổ tại nhà tù Fukuoka tháng 10/2008, dù ông khẳng định mình vô tội cho đến phút cuối đời. Nếu nhà chức trách thừa nhận đã làm sai lệch các xét nghiệm ADN có liên quan đến Sugaya thì việc kết án và xử tử Kuma cũng sẽ bị đặt nghi vấn.
"Có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến ADN trong việc kết án Sugaya, ngoài việc ép cung. Vụ án này là một trong những lý do tất cả các cuộc thẩm vấn của cảnh sát giờ đây đều được ghi âm", giáo sư Ishizuka nói. "Tôi nghĩ tiêu chuẩn ngày nay đã được nâng cao. Bằng chứng ADN rất quan trọng trong một vụ án và cảnh sát bây giờ không thể chỉ dựa vào mỗi lời thú tội để đưa ra kết luận. Xã hội ngày nay yêu cầu bằng chứng thuyết phục".
Dù vậy, kẻ sát hại các bé gái 40 năm trước vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Tờ rơi tìm tung tích Yokoyama được phát ở Ota còn có ba bức ảnh đen trắng được chụp từ camera an ninh tại quán pachinko nơi cô bé được nhìn thấy lần cuối. Trong hình là người đàn ông mặc quần baggy tối màu, áo jacket đen khoác ngoài áo phông trắng, đeo kính râm và đội mũ lưỡi trai. Nghi phạm đang hút thuốc, cao khoảng 1,58 m. Ở một bức hình khác, hắn đang nói chuyện với Yokoyama.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)