Hơn 40 năm trôi qua kể từ khi Ván bài lật ngửa ra mắt và trở thành cơn sốt của điện ảnh Việt Nam thập niên 1980, hình ảnh điệp viên Nguyễn Thành Luân do cố nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín thủ vai vẫn in sâu trong lòng khán giả.
Bộ phim không chỉ là hiện tượng thời bấy giờ mà còn để lại dấu ấn đặc biệt, khiến nhiều người tiếc nuối vì nền điện ảnh Việt Nam chưa tìm được một nhân vật "anh trai" nào tương tự trong suốt bốn thập kỷ qua.
Bộ phim với những tập tên quen thuộc như "Quân cờ di động", "Trời xanh qua kẽ lá" từng khiến khán giả mê mẩn, đến mức nhiều người xem đi xem lại đến "nhão băng". Trẻ con thuộc lòng tên từng tập, còn các chị em thì say đắm hình ảnh chàng điệp viên cao ráo, lịch lãm với hàng ria nam tính và giọng nói ấm áp.
Thậm chí, ngay cả tôi, một nam giới, cũng ngưỡng mộ hình tượng Nguyễn Thành Luân. Tôi từng ước mình có thể đội nón nỉ, khoác áo măng tô, bước xuống từ chiếc xe hơi và sải bước giữa rừng cao su miền Đông như nhân vật ấy.
Những yếu tố làm nên thành công vang dội của bộ phim không thể không kể đến diễn xuất tự nhiên, chân thật của dàn diễn viên. Ngay cả những nhân vật phụ, như anh bán vải trong chợ Soái Kình Lâm, cũng thể hiện hết sức mộc mạc và đời thường.
Thành công của "Ván bài lật ngửa" bắt nguồn từ kịch bản được xây dựng dựa trên tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng. Cùng với đó là bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, người đã chọn lọc kỹ lưỡng từng diễn viên, phối hợp nhịp nhàng với đội ngũ sản xuất để tạo nên một tuyệt phẩm mang tính biểu tượng.
Sau hơn 40 năm, khán giả chưa từng thấy xuất hiện một nhân vật điện ảnh Việt nào đủ sức sánh ngang với Nguyễn Thành Luân. Thay vào đó, nền điện ảnh hiện tại thường xuyên gặp khó khăn khi nhiều bộ phim dù được đầu tư "khủng" vẫn lỗ nặng. Một số đạo diễn thậm chí còn lên tiếng kêu gọi khán giả mua vé để "ủng hộ phim Việt".
Ngoại trừ vài "điểm sáng doanh thu" từ các tác phẩm của Lý Hải hay Trấn Thành, điện ảnh Việt vẫn chưa thực sự thuyết phục về mặt nghệ thuật. Nhiều người chia sẻ rằng, họ chỉ xem những bộ phim này vì "chẳng còn gì khác để xem".
Điện ảnh là nghệ thuật, nhưng để được xem là tác phẩm nghệ thuật thứ bảy, điều quan trọng nhất là chất lượng kịch bản và diễn xuất - hai khâu mà điện ảnh Việt đang yếu trầm trọng.
Hiện tại, nhiều diễn viên là người mẫu, ca sĩ chuyển hướng sang đóng phim nhưng lại diễn xuất gượng gạo, thiếu cảm xúc. Thay vì diễn bằng ánh mắt, cử chỉ, họ nói quá nhiều như sợ khán giả không hiểu.
Kịch bản cũng không có gì đặc sắc, thường chỉ là những tình tiết rời rạc, thiếu chiều sâu được bê nguyên xi từ đời thường lên màn ảnh mà không qua xử lý nghệ thuật. Điều này khiến phim Việt thiếu sức hấp dẫn, không đủ để níu giữ khán giả.
Gần đây, hai concert của các nghệ sĩ với chủ đề "anh trai" gây sốt. Hy vọng rằng trong tương lai, điện ảnh Việt sẽ tìm lại được những nhân vật "anh trai" như Nguyễn Thành Luân - những biểu tượng thực thụ có thể gợi lên sự ngưỡng mộ, truyền cảm hứng và kéo chân khán giả đến rạp xem phim vì nó thực sự hay.
Trần Thế Phương