Các băng đảng tội phạm tại Liên Xô trước đây và Nga từng tự chế tạo, thậm chí đánh cắp vũ khí quân dụng hạng nặng để phục vụ các cuộc tranh giành địa bàn, theo Sputnik.
Tiểu liên tự chế
Cuối thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, băng đảng "Anh em Tolstopyatov" gieo rắc kinh hoàng cho thành phố Rostov-na-Don của Liên Xô với một loạt vụ cướp, giết người và trộm ôtô táo bạo. Vũ khí được chúng sử dụng trong các vụ án là súng tiểu liên báng gập có hình dáng rất giống mẫu Uzi do Israel chế tạo.
Loại súng này khác lạ đến mức nhà chức trách Liên Xô tin rằng chúng được nhập lậu từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi nhóm tội phạm bị bắt vào năm 1973, cảnh sát mới biết rằng mẫu súng này là thiết kế của Vyacheslav Tolstopyatov, kẻ cầm đầu băng đảng.
Tolstopyatov đã phác họa bản thiết kế khẩu súng và nhờ những người bạn làm cơ khí chế tạo các bộ phận cần thiết. Vì súng đạn bị kiểm soát nghiêm ngặt ở Liên Xô thời kỳ đó, băng Tolstopyatov buộc phải sử dụng đạn bi thép cỡ 8 mm thay cho đạn quân dụng thông thường. Súng sử dụng hộp tiếp đạn 20 viên, có khả năng bắn liên thanh.
Với loại tiểu liên tự chế này, băng Tolstopyatov đã thực hiện 14 vụ tấn công, khiến hai dân thường thiệt mạng và ba người bị thương. Năm 1974, ba thành viên của nhóm tội phạm này bị kết án tử hình, 8 tên ngồi tù vì tiếp tay cho tội phạm.
Xe tăng T-90
Năm 1993, hai nhóm tội phạm có tổ chức ở thành phố Nizhny Tagil, nơi sản xuất xe tăng chủ lực cho Nga, xảy ra tranh chấp địa bàn hoạt động. Một phe quyết định đánh cắp một xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 đang trên đường từ bãi thử trở lại nhà máy. Chúng dự kiến dùng chiếc xe tăng này tấn công nhóm tội phạm gốc Chechen đang tìm cách chiếm địa bàn tại Nizhny Tagil.
Tuy nhiên, hai nhóm mafia sau đó dàn xếp được mâu thuẫn mà không gây đổ máu. Nhóm tội phạm đưa chiếc T-90 về nhà máy an toàn, sau đó bị kết án vì tội trộm cắp xe và côn đồ.
Vụ đánh cắp xe tăng gây ra bê bối lớn, khi thị trưởng thành phố đổ lỗi cho giám đốc nhà máy, còn Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó lại yêu cầu thị trưởng phải chịu trách nhiệm.
Súng bút
Tháng 1/2017, một tội phạm ở vùng Vladimir, cách Moscow khoảng 200 km, gây chú ý khắp nước Nga khi dùng súng bút tự chế bắn người quản lý một cửa hàng. Cảnh sát chưa xác định được người chế tạo súng, nhưng đây không phải lần đầu tội phạm Nga sử dụng súng bút cỡ nhỏ để gây án.
Súng bút có thiết kế khá thô sơ, thường nặng 150-200 g, sử dụng đạn cỡ 7,62x39 mm thường được sử dụng cho súng AK và có tầm bắn 25-30 m.
Lựu đạn bánh mì
Tháng 2/1992, 7 tên tội phạm tìm cách trốn khỏi nhà tù Kresty ở thành phố St. Petersburg bằng cách đe dọa lính canh bằng lựu đạn giả làm từ bánh mì. Những quả lựu đạn giả này được nhào nặn, khía rãnh, sau đó sơn màu xanh và gắn chốt kim loại để trông như lựu đạn sát thương thật.
Những tên tội phạm cố đe dọa quản giáo, cảnh sát và đội phản ứng nhanh bằng những quả lựu đạn bánh mì. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm không hề nao núng và đập tan kế hoạch đào thoát của những tên tội phạm.
Khi không thể thoát khỏi nhà tù, nhóm tội phạm bắt hai quản giáo làm con tin và tự khóa mình trong buồng giam, đòi cảnh sát cung cấp vũ khí và chuẩn bị máy bay để chúng đào thoát ra nước ngoài.
Chính phủ Nga quyết định đột kích buồng giam. Cả nhóm tội phạm bị vô hiệu hóa, trong đó ba tên thiệt mạng. Cả hai quản giáo được giải cứu nhưng một người bị thương nặng do bị nhóm tù nhân tấn công. Trong 4 kẻ sống sót, ba tù nhân bị tăng án phạt, một tên bị kết án tử hình nhưng sau đó giảm xuống án chung thân.
Duy Sơn