Tên lửa P-800 tấn công mục tiêu mặt đất tại Syria cuối năm 2016. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Những diễn biến gần đây cho thấy Mỹ dường như sắp phát động một đợt tấn công tên lửa nhằm vào Syria sau khi quân đội nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma hồi cuối tuần trước khiến 70 người thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Nga phủ nhận cáo buộc từ phía Mỹ và cho rằng mọi cuộc tấn công nhằm vào Syria dựa trên những chứng cứ giả mạo và thêu dệt đều không thể chấp nhận được, sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.
Giới quân sự nhận định trong trường hợp quân đội Nga muốn trả đũa Mỹ và đồng minh, Moscow đang sở hữu một loạt khí tài đủ khả năng đối phó lực lượng của Washington tại Trung Đông và Địa Trung Hải, theo Drive.
Tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P
Nga có nhiều lựa chọn tấn công tầm xa sẵn có. Việc sử dụng máy bay Su-30SM và Su-35S có thể gặp tổn thất, do khả năng đối đầu với những tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ chưa được kiểm chứng. Thay vào đó, Moscow đã triển khai các tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P, mỗi tổ hợp gồm nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) bánh lốp trang bị hai tên lửa P-800 Onik.
Tên lửa P-800 Oniks có tầm bắn 600 km, tốc độ hành trình 3.100 km/h, sử dụng đầu đạn nổ mạnh nặng 250 kg. Phiên bản P-800 nguyên gốc được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay và chiến hạm cỡ lớn. Tuy nhiên, quân đội Nga chứng tỏ vũ khí này có thêm khả năng đánh đất khi sử dụng tên lửa Oniks tấn công mục tiêu của phiến quân Syria hồi cuối năm 2016.
P-800 được lắp hệ thống dẫn đường quán tính và kích hoạt đầu dò radar chủ động ở giai đoạn cuối để bám bắt mục tiêu tàu chiến. Trong nhiệm vụ đối đất, Oniks có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để tiến công vị trí cố định trên bản đồ.
Với tầm bắn 600 km, tên lửa P-800 có thể tạo vùng cấm ngoài khơi Syria và phía đông Địa Trung Hải. Tàu khu trục USS Donald Cook và USS Porter, hai chiến hạm có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công Syria, sẽ nằm trong tầm hủy diệt của loại vũ khí này.
Tên lửa hành trình Kalibr
Dùng tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển cũng là một lựa chọn giúp Nga trả đũa Mỹ. Hiện nay, tàu hộ vệ Đô đốc Essen của hải quân Nga đang hiện diện trên Địa Trung Hải, trong khi một chiến hạm lớp Đô đốc Grigorovich cũng tuần tra gần đó, sẵn sàng di chuyển vào vị trí tấn công.
Tàu Đô đốc Essen phóng tên lửa Kalibr năm 2016. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Các tàu này có khả năng mang 8 tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 thuộc tổ hợp Kalibr với tầm bắn từ 2.000 đến 2.500 km, cho phép phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu.
Nga cũng có một số tàu ngầm mang tên lửa Kalibr, trong đó ít nhất một chiếc đang hoạt động tại Địa Trung Hải. Nếu phát động đòn trả đũa từ khu vực này, Nga không cần xin phép để tên lửa bay qua nước thứ ba, tránh bị phản đối ngoại giao hoặc gây thương vong khi tên lửa gặp sự cố và rơi xuống đất.
Tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101
Các phi đội oanh tạc cơ chiến lược như Tu-95MS và Tu-160 mang theo tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101 có thể được triển khai để tung đòn trả đũa từ lãnh thổ Nga.
Nga phát triển tên lửa hành trình Kh-555 vào đầu thế kỷ 21, nhằm thay thế mẫu Kh-55 và Kh-55SM biên chế từ thập niên 1980. Dòng tên lửa này được bổ sung nhiều công nghệ hiện đại để xuyên thủng các lá chắn tên lửa mới nhất trong thập niên 2000.
Kh-555 sử dụng thiết bị định vị vệ tinh và đầu dò quang - điện tử, cho phép tăng độ chính xác tới 5 lần so với mẫu Kh-55 nguyên gốc. Tầm bắn tên lửa đạt khoảng 2.000-2.500 km tùy cấu hình, trang bị đầu nổ nặng tới 410 kg.
Trong khi đó, Kh-101 là vũ khí chủ lực của oanh tạc cơ Tu-160, nổi bật nhờ tầm bắn tới 4.500 km và khả năng tàng hình trước radar. Mỗi quả đạn được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay. Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ chính xác 6-10 m.
Nếu được lắp đầu dò quang - điện tử và ảnh nhiệt, Kh-101 có thể tấn công cả mục tiêu cơ động như xe ôtô. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đã hoàn thiện khả năng tái lập trình mục tiêu cho Kh-101 trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi quả đạn đã phóng đi.
Nga từng triển khai đòn tập kích từ xa nhằm vào căn cứ phiến quân tại Syria bằng bộ đôi Tu-95MS và Tu-160. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có thể không cho phép phi cơ Nga bay qua không phận nếu họ nhằm vào các mục tiêu Mỹ.
Việc Moscow triển khai oanh tạc cơ sẽ đánh động Washington, giúp quân đội Mỹ chuẩn bị biện pháp đối phó, nhưng cũng có thể là biện pháp cảnh cáo mà Nga muốn dùng để răn đe đối phương.
Tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal
Có khả năng Moscow sẽ chớp cơ hội này để phô diễn tính năng tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi đầu tháng 3. Không quân Nga tuyên bố đã biên chế đại trà tên lửa này cho các đơn vị tiêm kích MiG-31 ở Quân khu miền Nam, cho thấy chúng có thể được triển khai trong chiến đấu.
Dòng Kinzhal ứng dụng đường bay như tên lửa đạn đạo trong pha giữa, kết hợp với khả năng cơ động mạnh để vượt qua lá chắn tên lửa đối phương. Tầm bắn tối đa tới 2.000 km và tốc độ 12.000 km/h của Kinzhal giúp tiêm kích MiG-31 không phải bay vào lưới phòng không quanh mục tiêu, bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay.
Tên lửa Kinzhal trong quá trình thử nghiệm. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Những tiêm kích MiG-31với khả năng tác chiến tầm xa có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ tại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Nga có sẵn sàng tung vũ khí này vào thực chiến tại Syria hay không.
Duy Sơn