Các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ được thiết kế để bảo vệ lục địa nước này, các lực lượng quân sự được triển khai trên thế giới và đồng minh khỏi những cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược của đối phương, theo Defenseone.
Thời Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc tìm cách phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo (BMD) để đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Liên Xô, nhưng đến thế kỷ 21, Mỹ chuyển hướng tập trung vào việc phòng thủ trước nguy cơ tấn công từ các nước Triều Tiên và Iran. Những người ủng hộ BMD coi đây là công cụ quan trọng trong việc truyền tải sức mạnh Mỹ và giá trị răn đe của nó, trong khi những người chỉ trích tỏ ra hoài nghi về độ tin cậy và tốn kém.
Lịch sử
Năm 1972, trước tình hình kho vũ khí của Liên Xô và Mỹ gia tăng theo cấp số nhân, hai nước đã ký Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM) nhằm hạn chế số địa điểm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở mỗi nước xuống còn hai.
Đầu thập niên 1980, chính quyền Reagan tăng cường nghiên cứu và phát triển các hệ thống phòng thủ trên mặt đất và trong không gian, đồng thời công bố Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (PDF), hay còn gọi là "Chiến tranh giữa các Vì sao". Những năm sau đó, quân đội Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí đánh chặn phi hạt nhân tự động tìm diệt các đầu đạn đang lao tới trong chương trình Homing Overlay Experiment.
Đến thời chính quyền George W.Bush, Lầu Năm Góc đề xuất lập một hệ thống phòng thủ đa tầng kết hợp có khả năng đánh bại tên lửa của đối phương trên phạm vi toàn cầu. Ngay đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Bush rút khỏi hiệp ước ABM và chỉ thị cho Lầu Năm Góc thiết lập sơ bộ các hệ thống phòng thủ tên lửa. Hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất đầu tiên được lắp đặt tại một căn cứ quân đội ở Alaska tháng 7/2014.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) đang phát triển một loạt các hệ thống để tăng cơ hội vô hiệu hóa các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo trong phạm vi hẹp. Các hệ thống này không được thiết kế để đối phó với các vụ tấn công hạt nhân quy mô lớn từ Nga và Trung Quốc. MDA đã chi khoảng 100 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa từ năm 2002 và dự kiến dành khoảng 8 tỷ mỗi năm đến 2017, chiếm khoảng 2% ngân sách cơ bản của Lầu Năm Góc.
Cơ chế hoạt động
Dựa trên tầm bắn tối đa, có 4 cách phân loại tên lửa đạn đạo phổ biến: Tên lửa tầm ngắn dưới 1.000 km, tên lửa tầm trung từ 1.000 đến 3.000 km, tên lửa tầm xa từ 3.000 đến 5.000 km, và tên lửa liên lục địa từ 5.500 km trở lên.
Các tên lửa đạn đạo có ba giai đoạn hành trình: giai đoạn tăng độ cao bắt đầu từ lúc phóng đến khi động cơ đẩy sử dụng hết nhiên liệu giúp tên lửa xuyên qua bầu khí quyển; giai đoạn giữa là giai đoạn dài nhất khi tên lửa bay theo quỹ đạo parabol vào khoảng không vũ trụ, khi đạt độ cao tối đa đầu đạn sẽ được tách ra và dần mất độ cao; và giai đoạn cuối khi đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển và thường lao tới mục tiêu trong thời gian chưa đến một phút (khác với tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực để bay thấp và ngang mặt đất để tránh radar trước khi tấn công mục tiêu).
Để đánh bại tên lửa đạn đạo cần 4 cơ chế: phát hiện, phân biệt (phân loại tên lửa khỏi những vật thể bay khác), điều khiển hỏa lực khóa mục tiêu (xác định chính xác điểm đánh chặn), và tiêu diệt (sử dụng một số vũ khí đánh chặn tấn công tên lửa). Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của hệ thống BMD trong những lần thử nghiệm vẫn chưa cho thấy độ tin cậy khiến nhiều người vẫn hoài nghi về giá trị của nó trong các điều kiện tác chiến thực tế.
Mỹ sử dụng một loạt bệ phóng để khai hỏa các tên lửa đạn đạo gồm hầm ngầm, xe tải, xe lửa, tàu ngầm và tàu chiến, với 4 chương trình BMD chủ yếu đóng vai trò như những chiếc khiên bảo vệ nước này và đồng minh trước các mối đe dọa tên lửa.
Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất là chương trình phức tạp và tốn kém nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, được thiết kế để phá hủy các tên lửa tầm trung và tầm xa trong không gian.
Năm 2004, 26 hệ thống đánh chặn kiểu này đã được đặt ở Fort Greely, Alaska và 4 hệ thống khác ở căn cứ không quân Vandenberg, California, cùng các kế hoạch nhằm tăng lên 44 hệ thống vào năm 2017. Trong một vụ thử hồi tháng 6/2014, một tên lửa đánh chặn phóng từ căn cứ Vandenberg đã tiêu diệt tên lửa mục tiêu phóng từ quần đảo Marshall. Đây là lần đánh chặn thành công đầu tiên trong 4 lần thử nghiệm kể từ 2008. Ngoài ra, một số quan chức Mỹ hiện ủng hộ đề xuất xây dựng một điểm đánh chặn thứ ba trên Bờ Đông.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis là chương trình được cho là đáng tin cậy nhất của toàn bộ hệ thống phòng thủ. Hệ thống phòng thủ trên biển này được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. MDA và hải quân Mỹ dự kiến tăng số lượng tàu chiến trang bị hệ thống Aegis từ 33 năm 2014 lên 43 vào năm 2019. Tháng 6/2014, Lầu Năm Góc cho biết hệ thống này đã 28 lần đánh chặn thành công trong số 34 lần thử nghiệm.
Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) là hệ thống gắn trên xe có thể triển khai nhanh để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở trong và ngoài bầu khí quyển. Đến giữa năm 2014, có ba hệ thống THAAD được vận hành nhưng Lầu Năm Góc muốn tăng số lượng lên 7 hệ thống.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cải tiến PAC-3 là hệ thống hoàn thiện nhất trong kho vũ khí phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống này có thể được triển khai nhanh nhờ được gắn trên xe và sử dụng các thiết bị cảm biến để bám bắt và đánh chặn các tên lửa đang bay ở giai đoạn cuối ở tầm thấp hơn so với hệ thống THAAD. Hệ thống PAC-3 từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2013 nhưng chưa gặt hái nhiều thành công. PAC-3 và các biến thể đã được triển khai đến Hàn Quốc, Afghanistan và hơn 10 quốc gia khác.
Xem thêm: Mỹ trấn an Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc
Duy Sơn