Lãnh đạo sở cảnh sát tỉnh Nara ngày 9/7 thừa nhận những "sơ sót không thể chối cãi" trong công tác bảo vệ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cựu thủ tướng Abe, người bị ám sát khi diễn thuyết tại tỉnh này hôm 8/7. Sở cảnh sát Nara cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng để làm rõ những điều đã xảy ra trong sự việc.
Chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo an toàn cho ông Abe là các sĩ quan Cảnh sát An ninh (SP), đơn vị bảo vệ yếu nhân trực thuộc Sở cảnh sát đô thị Tokyo, cùng lực lượng cảnh sát địa phương tại thành phố Nara.
Đài NHK của Nhật dẫn các nguồn tin cho hay đội sĩ quan làm nhiệm vụ trên đường phố trước nhà ga ở Nara hôm đó đã không nhận ra những hành vi đáng ngờ của nghi phạm trong đám đông, cho đến khi tiếng súng đầu tiên vang lên.
Thông qua phân tích các video hiện trường, giới chuyên gia an ninh cũng chỉ ra hàng loạt sai lầm của lực lượng bảo vệ ông Abe, cho rằng những sơ sót này cho phép nghi phạm Tetsuya Yamagami dễ dàng tiếp cận từ phía sau và nã hai phát đạn về phía cựu thủ tướng Nhật.
"Sai lầm đầu tiên là không lập hàng rào ngăn cách ông Abe với đám đông. Biện pháp này đôi khi không thể thực hiện khi yếu nhân muốn tiếp xúc đám đông, nhưng các cuộc phát biểu của VIP thường cần được bảo vệ bởi hàng rào vật lý hoặc hàng rào cận vệ, nhằm răn đe và ngăn cản những mối đe dọa tiềm tàng", chuyên gia an ninh Mỹ Tom Rogan viết trên tờ Washington Examiner.
Sai lầm thứ hai là sĩ quan chỉ huy, người quản lý nhóm cận vệ, đứng quá xa ông Abe, dù đây là người có trách nhiệm che chắn và sơ tán yếu nhân khi bị tấn công.
Những thành viên khác trong đội cận vệ đáng lẽ cũng phải ở gần cựu thủ tướng Nhật để che chắn xung quanh. "Nếu làm vậy, họ đã bảo vệ được ông ấy khỏi phát đạn chí mạng", Rogan nhận định.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, các nhân viên mật vụ nước này đã thể hiện phản ứng phù hợp với những cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào ứng viên Donald Trump và Bernie Sanders. Khi người phản đối lao lên bục diễn thuyết, các đặc vụ lập tức chia thành hai nhóm. Nhóm ở gần lấy thân mình che chắn cho yếu nhân, trong khi nhóm còn lại ngăn cản đối tượng đang lao đến.
Chiến thuật này được xây dựng nhằm cản trở tầm nhìn thẳng từ kẻ tấn công đến yếu nhân, đồng thời đối phó nguy cơ mối đe dọa đầu tiên chỉ là biện pháp đánh lạc hướng để kéo giãn đội hình cận vệ.
Sai lầm thứ ba của đội an ninh bảo vệ ông Abe là nhiều sĩ quan cận vệ đã thể hiện sự lưỡng lự rõ ràng. Nghi phạm tiếp cận cựu thủ tướng Nhật từ phía sau, đứng ở khoảng cách 5 mét và nổ phát súng đầu tiên. Ông Abe lúc này dường như không trúng đạn, quay lại nhìn về phía tiếng nổ, trong khi các cận vệ dường như cũng giật mình. Chỉ đến khi nghi phạm nổ phát súng thứ hai khiến ông Abe gục xuống, các cận vệ mới lao vào quật ngã Yamagami.
"Mật vụ Mỹ, Cơ quan An ninh Ngoại giao và lực lượng cận vệ thuộc Đơn vị Điều tra Hình sự Lục quân Mỹ luôn đào tạo nghiệp vụ rất kỹ để loại bỏ sự lưỡng lự. Họ được huấn luyện để xây dựng phản xạ cơ bắp chuyên đối phó với các mối đe dọa. Điều này cho phép họ lập tức phản ứng theo các kịch bản được huấn luyện khi xảy ra hỗn loạn, thay vì đứng một chỗ suy nghĩ về hành động tiếp theo", Rogan cho hay.
Trong vụ ám sát ông Abe, hai cận vệ đã phản ứng bằng cách lao ra chắn giữa cựu thủ tướng Nhật và tay súng, nhưng họ hành động đơn độc.
"Hai sĩ quan thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời khi lao vào làn đạn, nhưng chỉ có hai người đó tìm cách ngăn cản phát đạn thứ hai, cũng như hỗ trợ ông Abe sau khi phát hiện ông ngã gục. Ít nhất 7 giây trôi qua từ lúc nghi phạm nổ phát súng đầu tiên đến khi cận vệ tiếp cận ông ấy", chuyên gia Rogan nói, đánh giá sai lầm thứ tư của các cận vệ là hành động quá chậm.
Năm 1992, cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị một người biểu tình tiếp cận khi dự sự kiện ở thành phố Las Vegas. Các đặc vụ mất 4 giây để vây lấy ông, nhưng Mật vụ Mỹ vẫn coi đây là thất bại an ninh nghiêm trọng.
Sự việc cũng thúc đẩy những thay đổi về quy trình hoạt động nhằm giới hạn những hướng áp sát yếu nhân trên sân khấu, một số đặc vụ cũng hóa trang để bám sát người được bảo vệ vào mọi thời điểm.
Khi cựu tổng thống George W. Bush dự một trận bóng chày ở thành phố New York ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, một sĩ quan Mật vụ Mỹ đã đóng giả trọng tài trên sân để theo dõi tình hình. Năm 2017, chỉ huy nhóm mật vụ bảo vệ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đóng giả làm giáo viên trong lễ trao bằng danh dự cho bà tại Anh. Biện pháp này cho phép cận vệ bí mật bám sát bà Clinton trên sân khấu.
"Thất bại của lực lượng cận vệ trong vụ ám sát ông Abe thể hiện tầm quan trọng của duy trì các quy tắc bảo đảm an ninh. Một cựu tổng thống Mỹ có thể sống sót nếu đối mặt với tình huống tương tự. Trong trường hợp này, những sai lầm chỉ trong vài giây ngắn ngủi đã đi vào lịch sử", chuyên gia Rogan nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Washington Examiner)