Hôm 15/9, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) Hwasong-12 từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng về phía đông, bay qua lãnh thổ Nhật Bản, đạt tầm bắn và độ cao lớn hơn các lần thử trước đó. Vụ phóng buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải nhanh chóng tìm cách đối phó với những bước tiến nhanh chóng trong chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Một giải pháp được đề cập là Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Zachary Keck cho rằng Washinton và các đồng minh châu Á sẽ gặp nhiều thách thức lớn, ngăn cản kế hoạch này trở thành hiện thực, theo National Interest.
Ý tưởng lỗi thời
Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở các nước đồng minh châu Á và châu Âu trong thập niên 1950 vì không còn lựa chọn nào khác để ngăn chặn một đợt tấn công bất ngờ từ Liên Xô hoặc Triều Tiên.
Oanh tạc cơ mang bom hạt nhân khi đó như B-29 và B-50 không đủ tầm bay từ Mỹ tới mục tiêu và trở về, trong khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của Mỹ chỉ được đưa vào biên chế năm 1959. Ngay cả các dòng ICBM đầu tiên và oanh tạc cơ B-52 cũng không đáp ứng được yêu cầu.
Máy bay ném bom mất quá nhiều thời gian để bay từ Mỹ tới Liên Xô hoặc Triều Tiên, còn ICBM khi đó có độ chính xác quá thấp, không phù hợp cho các mục tiêu chiến thuật ở gần lực lượng đồng minh. Việc này buộc Washington phải đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm bắn và sức công phá nhỏ ở các quốc gia đồng minh gần tiền tuyến để duy trì khả năng răn đe.
Kể từ thập niên 1980, sự phát triển của ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) cho phép tăng đáng kể độ chính xác của chúng, thay thế hoàn toàn vai trò của vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là lý do khiến Mỹ rút toàn bộ lực lượng hạt nhân ở Hàn Quốc vào năm 1991, cũng như ngăn cản việc tái bố trí chúng tới bán đảo Triều Tiên.
Không có giá trị về mặt quân sự
Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đông Á không có giá trị thực tế, đặc biệt trong trường hợp của Nhật Bản. Do quy định của Hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung (INF), các tên lửa không phải ICBM của Mỹ chỉ có tầm bắn tối đa 500 km, không đủ sức vươn từ Nhật tới Triều Tiên. Tên lửa Mỹ có thể bắn tới Triều Tiên nếu phóng từ Hàn Quốc, nhưng sẽ phải đặt bệ phóng ở miền bắc nước này, nơi nằm trong đáp trả của Triều Tiên và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Sự phổ biến của bom và tên lửa thông minh giúp Mỹ đánh trúng mục tiêu sâu trong lãnh thổ Triều Tiên với độ chính xác cao, thay vì dựa vào sức công phá của vũ khí hạt nhân để tiêu diệt chúng.
Washington và Seoul có đủ sức mạnh quân sự để đẩy lùi một cuộc tấn công quy mô lớn của Bình Nhưỡng mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ thực sự của vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên chỉ là răn đe hoặc trả đũa nếu Bình Nhưỡng sử dụng tên lửa và bom nguyên tử. Bộ ba răn đe chiến lược của Mỹ gồm ICBM, oanh tạc cơ hạt nhân và tàu ngầm chiến lược sẽ là các nền tảng phù hợp cho nhiệm vụ này, thay vì mạo hiểm đặt vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tác động tiêu cực không cần thiết
Việc Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Đông Á sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực về chính trị và quân sự. Mỗi đầu đạn hạt nhân chuyển tới Hàn Quốc sẽ đòi hỏi đội ngũ chuyên gia đặc biệt để vận hành và bảo quản. Địa điểm triển khai cần cấp lượng lớn kinh phí để xây dựng hoặc tái thiết, chưa kể tới lượng lớn binh sĩ để bảo vệ chúng.
Tùy vào loại vũ khí hạt nhân, Seoul và Tokyo sẽ phải chuyển đổi các nguồn lực. Ở châu Âu hiện nay, Mỹ bảo dưỡng kho bom hạt nhân chiến thuật, còn đồng minh NATO phụ trách các máy bay triển khai chúng, buộc họ chỉnh sửa phi cơ và đào tạo chuyên ngành cho nhân sự. Điều này sẽ trở thành yếu tố tiêu cực với Hàn Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh hai nước đang chú trọng cải tiến năng lực tác chiến phi hạt nhân.
Kỹ thuật viên Mỹ chuẩn bị bom hạt nhân B61-12
Các địa điểm lưu trữ vũ khí hạt nhân cũng dễ trở thành mục tiêu lí tưởng để Triều Tiên tấn công. Điều này đặc biệt nguy hiểm do Triều Tiên đang phát triển nhiều tên lửa thông thường có độ chính xác cao. Mỹ cũng phải triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa, trong khi còn nhiều mục tiêu cần bảo vệ và không bảo đảm được hiệu quả đánh chặn.
Gia tăng căng thẳng với đồng minh
Việc triển khai vũ khí hạt nhân nhằm củng cố liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, nhưng trên thực tế chúng sẽ gây ra căng thẳng không cần thiết. Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần tuyên bố không muốn Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Lịch sử cho thấy việc bố trí vũ khí hạt nhân tiền phương đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho liên minh quân sự.
Vào thời Chiến tranh Lạnh, Anh đồng ý cho Mỹ đồn trú oanh tạc cơ hạt nhân trên lãnh thổ, nhưng lại lo sợ Mỹ dùng chúng để tấn công Liên Xô mà không có sự chấp thuận của Anh. Việc này buộc hai nước tiến hành nhiều vòng đàm phán căng thẳng.
Seoul từng công khai yêu cầu Washington nhận sự chấp thuận của họ trước khi tấn công thông thường nhằm vào Bình Nhưỡng. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chỉ gây ra nhiều tranh cãi, khiến liên minh suy yếu ở thời điểm cần sự đoàn kết giữa các nước.
Duy Sơn