Bác sĩ Tôn Nữ Bảo Trân, 28 tuổi, khoa Gây mê hồi sức, đang làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, lập tức gọi hỗ trợ "chuẩn bị đặt nội khí quản". Ba điều dưỡng tỏa ra, người lấy xe dụng cụ cấp cứu, người chuẩn bị thuốc an thần, máy monitor, người đẩy máy thở... đến giường bệnh.
Bác sĩ và các điều dưỡng vây quanh bệnh nhân. Một điều dưỡng cho bệnh nhân thở oxy liều cao liên tục trong ba phút, rồi tiêm thuốc giảm đau, an thần, giãn cơ cho ông mê đi. Lúc này bác sĩ Trân đứng về phía sau đầu bệnh nhân đang hơi ngửa, đưa ống soi thanh quản qua miệng, xuống cổ họng người bệnh. Chị nhẹ nhàng nâng nắp thanh môn, mở hoàn toàn đường thở để đưa ống vào khí quản.
Khi ống đã đặt đúng vị trí, điều dưỡng hỗ trợ bơm khí vào bóng chèn ống nội khí quản để làm kín đường thở. Tiếp theo nữ bác sĩ bóp bóng thở, đưa oxy vào phổi qua ống vừa đặt, kiểm tra thấy lồng ngực của bệnh nhân được thông khí đều cả hai bên phổi, rồi một điều dưỡng hỗ trợ dán cố định ống quanh miệng để giữ ống nội khí quản đúng vị trí.
Thủ thuật thành công, bác sĩ nối ống nội khí quản với một máy thở, điều chỉnh các thông số máy thở để SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) được nâng dần lên 88-92%, khi SpO2 đạt 95% ê kíp mới thở phào. Bệnh nhân vượt qua cửa tử đầu tiên, bác sĩ Trân kể lại ca đặt nội khí quản đêm 1/9.
"Nếu tình trạng suy hô hấp không được xử trí cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể ngưng tim và chết não, tử vong vì thiếu oxy", bác sĩ Trân nói.
Đây là một trong số gần 65 bệnh nhân thở máy, 70 trường hợp thở oxy lưu lượng cao (HFNC) đang điều trị ở Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, đặt tại Bệnh viện Quốc tế City, do Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM phụ trách. Dịch diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân nặng tăng, dự đoán lượng bệnh nhân cần thở máy sẽ còn cao hơn nữa, bác sĩ Lê Minh Khôi, Phó giám đốc trung tâm, Trưởng phòng Khoa học và đào tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết. Hiện trung tâm điều trị 208 F0 nặng và nguy kịch.
Theo bác sĩ Trân, đặt nội khí quản và thở máy là "vũ khí cuối cùng" trong cuộc chiến Covid-19 được chỉ định cho bệnh nhân mức độ nguy kịch, khi phổi tổn thương nặng, bệnh nhân suy hô hấp và không thể tự thở. Thiếu oxy trầm trọng có thể gây ngưng tim và chết não chỉ trong 4-5 phút. Thời điểm này, đặt nội khí quản cho thở máy là chỉ định bắt buộc.
Do đó, nhân viên y tế chỉ có tối đa 4 phút để chạy đua giành giật mạng sống cho người bệnh. Đặt nội khí quản càng nhanh, chính xác, an toàn càng nâng cao cơ hội sống. Như ở bệnh nhân trên, cả quá trình đặt nội khí quản diễn ra trong chưa đầy ba phút. Trong đó, kể từ lúc bệnh nhân hôn mê cho đến khi ống nội khí quản vào đúng vị trí mất 30 giây đến 1 phút.
Ở một số trường hợp bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu từ đơn vị khác, tình trạng bệnh xấu hơn dự kiến, phải đặt nội khí quản cấp cứu ngay tại khu tiếp nhận, hoặc cấu trúc đường thở bệnh nhân khó, nhiều đàm nhớt, dạ dày bệnh nhân nhiều thức ăn có nguy cơ trào lên phổi... thì bác sĩ cần nhiều thời gian thao tác và nhiều nhân sự hỗ trợ hơn. Được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm đặt nội khí quản thường quy cho hàng trăm bệnh nhân ngoài Covid-19 nên các bác sĩ dễ dàng giữ được bình tĩnh, tập trung cao độ, xử trí ổn thỏa.
Tuy quá trình đặt ống nội khí quản diễn ra nhanh nhưng là công việc vô cùng rủi ro đối với nhân viên y tế khi họ bắt buộc phải tiếp xúc trực tiếp, rất gần với miệng, mũi người bệnh. Thời điểm này, bệnh nhân mở miệng nên những giọt bắn, khí dung chứa virus phát tán ra ngoài nhiều nhất, chúng có thể bám lên đồ bảo hộ. Nếu nhân viên y tế bảo hộ không tốt sẽ tiếp xúc với giọt bắn và dễ bị lây nhiễm, bác sĩ Trân nhấn mạnh.
"Dù biết rất nguy hiểm, nhưng đó là con đường sống duy nhất của bệnh nhân, không có lựa chọn khác", điều dưỡng Lê Hoàng Thiện, 31 tuổi, khoa Hồi Sức tích cực, cùng làm việc với bác sĩ Trân, nói.
Điều dưỡng Thiện chia sẻ, bảo hộ thật kỹ là cách duy nhất giúp nhân viên y tế đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Bệnh viện trang bị đồ bảo hộ, đeo khẩu trang N95, kính chắn giọt bắn, mang vài lớp găng tay y tế. Ngoài ra, họ sử dụng chiếc lồng chắn giọt bắn, bao bọc xung quanh phần đầu bệnh nhân, tạo thêm một bức tường ngăn giữa nhân viên y tế và đường thở người bệnh khi thao tác đặt nội khí quản.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, họ sẽ phải trải qua quy trình khử khuẩn, vệ sinh cá nhân nghiêm ngặt. Đồng thời, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây tự coi mình là F1, cách ly riêng một khu ngay trong bệnh viện. Ngoài ca trực họ không tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm chéo.
Với mục tiêu giảm ca tử vong, mỗi ca trực bác sĩ Trân và các đồng nghiệp luôn chủ động đi khám nhiều lần, theo sát, đánh giá nguy cơ trở nặng của mỗi người bệnh, từ đó tiên lượng sớm khả năng thở máy để can thiệp kịp thời.
Máy thở được xem là "vũ khí phép màu" song cũng là "con dao hai lưỡi". Máy thở đưa oxy vào phổi bởi một áp lực dương, giúp phổi bệnh nhân được tạm thời nghỉ ngơi tránh kiệt cơ hô hấp. Song nếu thông số máy không được điều chỉnh phù hợp, hoặc bệnh nhân không thích ứng được với máy, có thể gây tổn thương phổi thêm.
Thời gian thở máy càng dài thì người bệnh phụ thuộc vào máy càng nhiều, nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn làm giảm khả năng cai máy, tự phục hồi. Có những trường hợp đã không thể cai được máy thở, trong khi phổi xấu dần đi, đáp ứng điều trị không đạt, bệnh nhân tử vong.
Vì vậy, đặt nội khí quản chỉ là mở cánh cửa sống đầu tiên cho bệnh nhân và cuộc chiến giành giật tính mạng vẫn tiếp tục, thậm chí còn khó khăn hơn vì bệnh nhân còn đối mặt với rất nhiều nguy cơ tử vong khác như tổn thương phổi tiến triển do bội nhiễm, sốc nhiễm trùng, bệnh lý nền diễn tiến nặng..., bác sĩ Trân lý giải.
Những lúc phải "buông tay" người bệnh, điều dưỡng Thiện và bác sĩ Trân chia sẻ, họ cảm thấy rất khó chịu, buồn bã, thậm chí thất bại, song phải chấp nhận vì y học có giới hạn và tự hứa sẽ cố gắng hơn ở các bệnh nhân tiếp theo. Song vẫn có nhiều trường hợp khác bình phục và xuất viện, điều này là nguồn động viên lớn nhất để các y, bác sĩ nỗ lực hơn nữa.
Tính đến ngày 11/9, TP HCM ghi nhận 292.403 ca Covid-19. 39.433 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu, sáng 19/8, tính từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương. Riêng TP HCM có 900 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, tính đến thời điểm diễn ra tọa đàm. Số ca nhiễm "chắc chắn còn tăng", theo bà Bình.
Thư Anh