Theo quan niệm của y học cổ truyền, dưỡng sinh là sự kết hợp hài hòa giữa 4 phương diện: lối sống, chế độ ăn uống, thái độ tinh thần và rèn luyện. Một phần quan trọng của quy tắc dưỡng sinh là thích ứng với âm dương của bốn mùa để phòng ngừa bệnh tật.
Bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết vào mùa đông, dương khí của trời đất suy yếu, vạn vật tàng ẩn. Nhiều loài động - thực vật gần như trong trạng thái ngủ đông, chuẩn bị cho mùa xuân sinh sôi phát triển. Do đó, dưỡng sinh trong mùa đông cần phải chống lạnh, tàng tinh, dưỡng âm. Nghỉ ngơi điều độ, vận động không được ra nhiều mồ hôi, việc phòng thất phải hợp lý, không được quá độ.
Bác sĩ Cận gợi ý một số phương pháp dưỡng sinh dưới đây, giúp nâng cao sức đề kháng, chống chọi bệnh tật.
Dưỡng sinh trong ăn uống
Duy trì uống đủ nước
Mùa đông lượng nước cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi và nước tiểu giảm, nhưng các tế bào nuôi dưỡng đại não và các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động bình thường, cơ thể vẫn cần được cung cấp một lượng nước cần thiết để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất. Vì vậy, nên cung cấp khoảng 1,5 đến 2 lít nước cho cơ thể mỗi ngày.
Lựa chọn thực phẩm phù hợp
Dưỡng sinh trong mùa đông coi trọng bồi bổ cơ thể khoa học. Người dương khí hư thì phải chọn ăn nhiều đạm, thịt động vật như thịt bò, gà, dê...
Người khí và huyết đều hư có thể ăn thịt ngan, vịt, gà đen... Không nên ăn uống các loại đồ sống, đồ lạnh gây tổn hại dương khí.
Buổi sáng ăn cháo nóng, buổi tối ăn ít lại là phương pháp tốt nhất để bảo vệ dạ dày. Các loại cháo như cháo nếp táo đỏ, cháo bát bảo, cháo hạt kê là thích hợp nhất.
Cũng có thể ăn cháo long nhãn để dưỡng tâm an thần, cháo hoa cúc giúp sáng mắt, giải nhiệt, cháo cá diếc dưỡng dạ dày, cháo phục linh dưỡng tỳ tạng, cháo vừng ích tinh dưỡng âm, cháo hạt óc chó dưỡng âm cố tinh, cháo táo đỏ ích khí dưỡng âm, cháo ngân nhĩ dưỡng phổi, cháo củ cải giúp tiêu đờm...
Tuy nhiên, việc ăn uống phải tùy vào cơ địa, thói quen và liều lượng mà sử dụng điều độ, tránh lạm dụng quá nhiều thực phẩm, hại cho sức khỏe.
Về vấn đề dùng thuốc bổ cũng cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mỗi trường hợp, cơ địa sẽ có một phương pháp dùng thuốc riêng.
Dưỡng sinh trong vận động, tập luyện
Mùa đông nên tập luyện vừa phải để cơ thể ra ít mồ hôi tăng cường sức khỏe. Nên kết hợp cả động và tĩnh, chạy hoặc tập các bài thể dục đến khi ra ít mồi hôi là được. Nếu ra nhiều mồ hôi sẽ làm tổn thương khí trong cơ thể, như vậy sẽ trái với nguyên tắc dưỡng sinh "Thu Đông dưỡng âm".
Mùa đông trời lạnh, các bệnh mạn tính dễ tái phát hoặc nặng hơn, nên lưu ý chống lạnh giữ ấm, nhất là đề phòng sự kích thích của thời tiết gió to và không khí lạnh lên cơ thể.
Dưỡng sinh về ngủ nghỉ, giữ ấm
Ngủ sớm có tác dụng dưỡng dương khí, dậy muộn giúp củng cố âm tinh cho cơ thể. Do đó, dưỡng sinh trong mùa đông cần đảm bảo có một giấc ngủ đầy đủ, điều này có lợi cho dự trữ năng lượng cần thiết cho cơ thể.
Trong mùa đông, mức độ ô nhiễm không khí trong phòng cao hơn bên ngoài, nên lưu ý thường xuyên mở cửa sổ để không khí được lưu thông, làm sạch, giúp tinh thần tỉnh táo. Tuy nhiên, cần tránh gió lạnh lùa vào phòng và nên mặc quần áo đủ dày, ấm để tránh cảm lạnh.
Bên cạnh đó, giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để giữ gìn sức khỏe. Kiên trì ngâm chân nước ấm mỗi ngày, tốt nhất là kết hợp massage các huyệt vị trên hai bàn chân. Mỗi ngày nên kiên trì đi bộ ít nhất 30 phút. Buổi sáng và buổi tối kiên trì massage lòng bàn chân để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
Dưỡng sinh điều chỉnh tinh thần
Mùa đông thời tiết giá lạnh, dễ khiến tâm trạng chùng xuống. Cách tốt nhất là chọn một số hoạt động thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe như chạy bộ chậm, khiêu vũ, bóng chuyền, cầu lông...
Những hoạt động này chính là liều thuốc tốt nhất giải tỏa buồn phiền, giúp bạn lấy lại tinh thần sảng khoái cho những ngày kế tiếp.
Mỹ Ý