Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ cao nhất thế giới là Seychelles (61%), Israel (56%), Chile (38%), Bahrain (35%), và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). UAE không cung cấp chi tiết dữ liệu tiêm chủng, nhưng tuyên bố cung cấp số liều vaccine trên đầu người ở mức rất cao (khoảng 115.000 liều/100.000 người).
Tuy nhiên, trong số những quốc gia này, chỉ có Israel không phải chật vật khống chế sự gia tăng nguy hiểm của số ca Covid-19. Seychelles và Bahrain cùng với những quốc gia được tiêm chủng cao khác như Maldives và Uruguay, đang ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm trên đầu người theo ngày cao nhất thế giới.
Seychelles, quốc đảo nhỏ với tỷ lệ tiêm chủng gần như gấp đôi Mỹ (nước có 35% dân số được tiêm chủng đầy đủ) ngày 11/5 ghi nhận tỷ lệ 328 ca Covid-19 trên 100.000 người, cao hơn nhiều so với Ấn Độ (28 ca).
Đợt bùng phát dịch tại những nước được tiêm chủng hàng đầu thế giới làm dấy lên lo ngại về hiệu quả một số vaccine Trung Quốc so với các loại vaccine phương Tây mà Israel sử dụng, bao gồm vaccine Sinopharm của Trung Quốc mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tuần trước, loại vaccine chiếm tỷ lệ lớn trong chương trình tiêm chủng của các nước này.
Việc nới lỏng hạn chế và thông điệp lúng túng từ chính phủ cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao tại những quốc gia này. Seychelles và Maldives phụ thuộc vào du lịch và vẫn chào đón du khách. Dubai dỡ lệnh phong tỏa nhanh chóng, còn Chile đã nới lỏng hạn chế và cho phép du lịch nội địa hoạt động lại.
Tại nhiều quốc gia giàu có, vaccine được coi là chiến lược cuối cùng thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Số ca nhiễm đã giảm tại một số quốc gia thực hiện chiến lược này thành công và nhanh chóng, bao gồm Anh, Mỹ và Israel, dù các chuyên gia nói rằng những nơi như Chile là ví dụ đáng sợ về chuyện có thể xảy ra nếu mọi thứ nới lỏng quá nhanh trong khi chỉ dựa vào vaccine để chống dịch.
Hiệu quả của từng loại vaccine có thể là mối quan tâm mới khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường chiến dịch tiêm chủng. Đã có nhiều lo ngại nổi lên rằng một số loại vaccine như Sinopharm của Trung Quốc kiểm soát dịch kém hiệu quả hơn so với các loại như Moderna và Pfizer.
Các lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng giám đốc WHO, thường xuyên cảnh báo không ai "an toàn cho tới khi mọi người đều an toàn", xuất phát từ sự bất bình đẳng vaccine giữa các quốc gia. Nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn đang xuất hiện trên toàn cầu, một số loại có khả năng né tránh những loại vaccine hiện có.
WHO đã xếp biến chủng B.1.617 Ấn Độ vào nhóm đáng lo ngại, nhóm gồm những biến chủng nCoV nguy hiểm hơn bản gốc nhờ khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn hoặc kháng vaccine mạnh hơn.
Biến chủng này đã xuất hiện tại ít nhất 40 quốc gia, từ Mỹ, Canada tới Anh, Pháp, từ Fiji, Australia tới Singapore, Malaysia, Indonesia, các quốc gia láng giềng với Ấn Độ như Sri Lanka, Bangladesh và một số nước Đông Phi như Kenya, Uganda.
Hồng Hạnh (Theo Forbes)