Cựu trung sĩ 68 tuổi là một trong hơn 2,7 triệu binh sĩ Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam. Ông là nhân vật trong "Người lính Mùa đông", một bộ phim tài liệu dựa trên cuộc điều tra về chính sách của Mỹ ở Việt Nam.
Camil cũng là người đồng sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức Cựu binh vì Hòa bình tại thành phố Gainesville, Florida, có nhiệm vụ phối hợp với các cộng sự khắp trong vùng để thúc đẩy hòa bình.
Một số dự án mà tổ chức của ông đã thực hiện bao gồm Giải thưởng vì Hòa bình và Công lý John A. Penrod “Brigadas”, hai Học bổng Hòa bình 500 USD, cuộc thi Thơ Hòa Bình cho sinh viên và phong trào phản đối chủ nghĩa quân phiệt Mỹ trong thành phố.
"Bạn không thể tạo ra nền dân chủ từ mũi súng", người đàn ông tham gia phong trào phản chiến từ những năm 1970 nói.
'Kẻ bắt nạt'
Chỉ ba ngày sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1965, Camil bắt đầu tham gia khóa đào tạo để trở thành một binh sĩ thủy quân lục chiến. Ông mong muốn được thực hiện những gì mà ông mô tả là "nhiệm vụ như một con người" và chiến đấu cho dân chủ.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, bộ binh và tác chiến trong rừng, Camil tình nguyện đi lính ngay.
"Tôi đã trải qua sinh nhật tuổi 20 và 21 ở Việt Nam", ông nói.
Ông ra đi theo mệnh lệnh, như bất kỳ binh lính nào khác. Ông đã chứng kiến bạn bè mình trở thành những người đàn ông và cũng nhìn thấy họ chết.
Lúc đó, Camil cho rằng ông gia nhập quân đội là để bảo vệ quốc gia của mình. "Tôi tự hào về những gì tôi đã làm. Tôi đã tin rằng cuộc chiến tranh này là đúng đắn".
Camil vẫn giữ quan điểm đó cho đến khi ông đọc được một cuốn sách lịch sử.
Sau khi quay về Mỹ năm 1967, ông đi học tại trường cao đẳng Miami Dade bằng số tiền trợ cấp cho cựu binh.
Tại lớp học Lịch sử Mỹ, ông được yêu cầu đọc một đoạn trong cuốn sách lịch sử nước Mỹ "A People's History of United States" của tác giả Howard Zinn. Ban đầu, ông không đồng tình với cuốn sách vì nó tiếp cận lịch sử Mỹ thông qua con mắt của các dân tộc nhỏ bị áp bức trong suốt thời kỳ thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Camil trao đổi với giáo sư của ông về cuốn sách và được cung cấp thêm tài liệu để đọc. Càng đọc, ông càng tin rằng luận điểm của tác giả là đúng. Ông nhận ra rằng nước Mỹ khi đó chẳng khác gì một kẻ đi bắt nạt người khác.
"Tôi đã giết những người chiến đấu tay đôi với mình", ông nói, giọng lạc đi. "Tôi đã giết những người đang bảo vệ quê hương của họ".
Từ đó, Camil gọi đây là cuốn sách quan trọng nhất mà ông có.
Anh hùng vì Hòa bình
Camil rời Thủy quân Lục chiến với 12 huy chương và bằng khen, trong đó có bằng khen của tổng thống. Tuy nhiên, năm 1971, ông đã vứt hết toàn bộ chúng đi.
Camil đã cùng với các thành viên khác của hội Cựu binh Việt Nam Phản chiến tuần hành ở Washington. Camil cho hay ông đã ném các huy chương của mình qua hàng rào vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Nhiều thập kỷ sau đó, vợ ông, bà Sherry, 64 tuổi, đề nghị cấp lại một số huy chương cho ông. Bà nói rằng bà muốn ông giữ chúng. "Đó là một vinh dự dù ông không đồng tình với chính sách", bà nói.
Và bây giờ, Camil muốn trở thành một anh hùng vì hòa bình.
Năm 1987, sau một chuyến đi thực tế đến Trung Mỹ, ông thành lập chi nhánh Gainesville của Hội Cựu binh Vì Hòa bình, tổ chức có hơn 100 chi hội trên khắp toàn quốc.
Camil là một người Do Thái nhưng ông ủng hộ Palestine. Ông tự hào là một lính thủy đánh bộ, nhưng ông phản đối mọi cuộc chiến tranh.
Thậm chí khi điền vào các tờ khai, ở mục "Tôn giáo", ông luôn đánh dấu vào ô "Khác" và viết "Con người".
"Tôi trước tiên không phải là một người Mỹ. Tôi trước tiên cũng không phải là một người Do Thái hay một người da trắng", ông nói. "Tôi trước tiên là một con người".
Anh Ngọc (Theo Wuft)