Tôi "review" lại những "hạt sạn" mà nhiều người đang cố bới bèo tìm vết để "bức tử" một công trình tiên tiến hơn.
1. Vuông - Tròn - Tam Giác là chữ viết?
Sai, đây là ký tự thay thế cho tiếng. Dùng Hình khối liền mạch, màu sắc giúp con trẻ hứng thú và dễ dàng ... đếm để phân biệt âm (tiếng) mà thôi. Vậy tại sao không để THÁP MƯỜI ĐẸP NHẤT.... cũng đếm được vậy? Vì từ gồm các chữ cái cách nhau bằng một khoảng trắng nhỏ, trẻ dễ nhầm lẫn đếm từ THÁP là 4 thay vì 1. Hơn nữa bé chưa thuộc chữ cái khiến việc học trở nên khô cứng, khó tiếp thu. Tôi còn tiếc là sao không thay ô vuông bằng siêu nhân, búp bê để bé thêm hứng thú.
>> Xem thêm: Dạy trẻ lớp một đánh vần c/k/q thành 'cờ' là hợp lý
2. GS Hồ Ngọc Đại cải cách chữ viết?
Sai, sách Công nghệ Giáo dục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tiếng Việt theo tư duy phân tích âm không phải là cải cách chữ viết (GS Bùi Hiền không liên quan). Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes cũng từ tư duy này mà định chế ra chữ quốc ngữ. Ngôn ngữ có trước chữ viết, nhà truyền giáo đã sử dụng chữ latinh sáng tạo ra loại chữ viết để ghi lại tiếng (âm phát ra) của người Việt. Ví dụ: BA phân tích thành BỜ - A, và ông định chế chữ B cho âm Bờ, chữ A cho âm A. Tương tự CANH ông phân tích thành CỜ - ANH, rồi phân tích tận cùng âm ANH thành A - NHỜ, NHỜ thành NỜ - HỜ.
Như vậy, cái hay của phương pháp tách âm này là chỉ cần thuộc chữ cái, bé có thể đánh vần và viết được bất cứ âm nào bé nghe thấy.
>> Xem thêm: Dạy đánh vần k/c/q là 'cờ' và thái độ phê phán cái mới
3. Hình tam giác CKQ đọc là tam giác CỜ CỜ CỜ khiến không ai hiểu?
Sai, với chữ cái đứng độc lập không cấu tạo thành từ sẽ phát âm theo bộ chữ cái gốc (mượn của Pháp) là Sê - Ka - Ky (Cê - Ka - Quy). Thực tế, không nhà toán học hay nhà làm biển số xe nào ra câu hỏi hay biển số nào có 3 chữ đó đứng liền nhau như vậy để phải tranh cãi. CKQ đọc là Cờ Cờ Cờ là theo quy tắc phân tích âm nói ở trên.
Ví dụ: KIÊN phân thích thành CỜ - IÊN (CỜ - I - ÊN), QUÁI phân tích CỜ- OÁI (Ờ - O - ÁI), CÚN phân tích thành CỜ - ÚN. Vậy từ nào dùng với K, từ nào dùng với C, từ nào dùng với C sẽ có những quy tắc chính tả, buộc phải theo. Ví dụ, Q phải luôn đi với âm đệm U, đứng trước /e/, /ê/, /i/ luôn là K, còn lại dùng C. Cũng giống như việc quy ước khi nào viết số V (số La Mã) và khi nào viết số 5 (số Ả-rập) vậy thôi, phụ huynh không có gì phải lo lắng.
4. Các câu chuyện trong sách có tính phản giáo dục?
Đúng và cũng Sai luôn. Ví dụ: Đọc những mẩu chuyện trong sách CNGD lớp 1 như: Bé giúp mẹ bằng cách kêu mẹ bế để bé xách đồ... phụ huynh có cơ sở để cho là câu chuyện dạy trẻ nhỏ tính khôn vặt. Vì thực tế nếu bé nói giúp mẹ xách đồ mà để mẹ bế cả bé thì mẹ còn vất vả hơn. Chúng ta đang suy nghĩ theo tư duy của người lớn, thực tế có đứa trẻ lên 5, 6 tuổi nào nói như vậy khi mẹ hỏi không? Trả lời: có.
>> Xem thêm: Đấu tố' đánh vần c/k/q sẽ làm chùn bước tinh thần khoa học
Bé đâu biết là như vậy không giúp được cho mẹ mà còn làm mẹ mệt hơn. Và câu chuyện của người giảng dạy là đưa ra tình huống thật để tạo câu chuyện cho các bé tranh luận, phản biện, sau đó định hướng hành vi "đạo đức" nhất.
Nếu rập khuôn là bé phải trả lời: Bé phải xách đồ cho mẹ mới là giáo dục thì là áp đặt khuôn mẫu cho trẻ, là phương pháp áp đặt đâu có hiệu quả cho tư duy bé phát triển.
Ví dụ rõ nhất một câu chuyện có thật như sau:
Hai nhà cạnh nhau có hai bé bằng tuổi nhau với điều kiện sống giống nhau. Nhân một ngày, có ông lão ăn xin đói rách đến, hai ông bố muốn giáo dục nhân cách con bằng việc đưa ra đề nghị là con hãy giúp ông lão ăn xin.
Bé thứ nhất sau khi bố thuyết phục đã trút ống tiết kiệm và đưa tiền cho ông lão ăn xin. Ông bố rất hài lòng.
>> Xem thêm: 'Chưa hiểu phương pháp đọc vuông tròn, nhiều người đã vội ném đá'
Bé thứ hai, dù thuyết phục thế nào bé cũng không đồng ý giúp đỡ ông lão. Bé nói rằng: Tiền này là tiền công của bé được cho khi giúp bố đánh giầy, giúp mẹ rửa bát. Bé có quyền sử dụng tiền của mình và không ai được ép bé dùng tiền đó cho việc gì. Cô bé chạy đi mua kem - thứ cô bé thích nhất. Ông bố vô cùng thất vọng. Không có gì đáng suy nghĩ nếu cô bé không đưa que kem cho ông lão vào nói: Ông đã có tiền của bạn con giúp, con tặng ông que kem, thứ con thích nhất. Con nghĩ nó sẽ giúp được ông lúc này. Câu chuyện là sau khi được hỏi câu: Con có vui không khi giúp ông lão ăn xin? Bé thứ nhất nói: con không biết, nhưng con làm theo ý bố, chắc là bố vui, ông ăn có tiền, chắc ông ấy cũng vui, như vậy là có lẽ con sẽ vui.
Còn cô bé thứ hai nhìn cô bé tung tăng chạy nhảy là biết cô bé đã vui như thế nào...
Năm 1633, nhà thiên văn học Galileo Galilei buộc phải đối mặt tội dị giáo khi cho rằng Trái đất quay xung quanh Mặt trời. Trong khi vào thời của Galileo thì kinh Thánh đã giải thích Trái đất là trung tâm và mọi hành tinh đều quay xung quanh Trái đất.
Trước áp lực từ tòa án và lời miệt thị của dân chúng, ông đã nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, ông bị tuyên án tội dị giáo, buộc phải bị quản thúc bởi nhà thờ đến khi chết và mọi tài liệu và ghi chép của ông cũng bị cấm lưu hành trong dân chúng. Lịch sử cho thấy, con người luôn sống trong những thị phi, dối trá. Lấy kinh nghiệm của bản thân, lối mòn của thời đại để làm tiêu chuẩn cho xã hội.
Họ lên án những gì họ không hiểu, họ bài trừ những tư tưởng mới khác họ. Tư tưởng "của biếu là của lo, của cho là của nợ" được tố là xem thường bổng lộc nhà vua để phải đày ra hoang đảo như Mai An Tiêm.
>> Xem thêm: Đánh vần c/k/q thành 'cờ' chỉ là phần nổi tảng băng cải cách giáo dục)
Quan điểm phiếm thần của nhà triết học Giordano Bruno chối bỏ một số giáo lý Công giáo nền tảng như thiên tính của Đức Kitô, sự đồng trinh của Maria... đã buộc ông bị kết tội dị giáo và hỏa thiêu tại Roma vào năm 1600.
Các nhà khoa học lỗi lạc khác như Louis Pasteur và Charles Darwin cũng vướng vào những cáo buộc về đạo đức và chống đối tôn giáo khi phát minh ra Vecxin và đưa ra thuyết tiến hóa.
Tôi không so sánh công trình của GS Hồ Ngọc Đại với các công trình khoa học nổi tiếng thế giới. Nhưng tâm huyết và ứng dụng muốn giảm áp lực học hành của trẻ, muốn mỗi ngày đến trường là một ngày vui, muốn trẻ biết tự khám phá - tiếp thu kiến thức, muốn phát triển tư duy phản biện của trẻ, muốn trẻ phát triển tự nhiên - là chính mình, không phải bản sao của thế hệ trước quả thực là rất trân trọng.
Đừng chia sẻ, vào hùa những nội dung hiểu sai vấn đề để "bức tử" một sản phẩm đang giúp chính cho con em mình giảm tải áp lực học hành, có hứng thú trong việc tự học và khám phá, hình thành tư duy phân tích và phản biện tốt hơn. Đừng làm con mất đi niềm vui, niềm tin yêu với trường lớp, thầy cô...
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.