Khủng hoảng chính trị ở Venezuela trở nên trầm trọng kể từ khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tuyên bố mình là tổng thống để chấm dứt quyền lực của Nicolas Maduro. Trong khi đó, Maduro cáo buộc Washington đứng sau một cuộc đảo chính và cắt đứt quan hệ ngoại giao. Những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào Mỹ và quân đội Venezuela, theo AFP.
Một kịch bản để giải quyết khủng hoảng là thay đổi chính quyền. Guaido muốn thành lập chính phủ chuyển tiếp và sau đó là tổ chức bầu cử. Guaido kêu gọi quân đội, bên hậu thuẫn quyền lực nhất của Maduro, cắt đứt quan hệ với ông để được ân xá nếu phe đối lập nắm quyền.
Nhưng quân đội hiện vẫn trung thành với Maduro. Nếu họ duy trì lập trường này, phe đối lập cần giữ đoàn kết, điều chỉnh kỳ vọng và chấp nhận "một quá trình chuyển đổi dài hạn", Peter Hakim, chủ tịch tổ chức Đối thoại liên Mỹ ở Washington, đánh giá.
Phương án này sẽ tiến triển nhanh hơn nếu quân đội đổi phe, nhưng phe đối lập sẽ phải ân xá cho họ và một số quan chức hàng đầu của Venezuela, nhiều người trong số này bị Washington cáo buộc tham nhũng, vi phạm nhân quyền hoặc buôn ma túy.
Một yếu tố khác có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi: nếu Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Venezuela (Mỹ mua 1/3 tổng lượng dầu xuất khẩu của Venezuela, khoảng 510.000 thùng mỗi ngày trong năm ngoái), điều này sẽ giáng một đòn chí tử vào nền kinh tế Venezuela và có thể làm lung lay cộng đồng những người ủng hộ Maduro, theo công ty tư vấn Capital Economics.
Nhưng Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Việc ngừng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela có thể dẫn đến giá dầu tăng và gây sức ép cho các nhà máy lọc dầu Mỹ vốn tiêu thụ hàng trăm nghìn thùng dầu Venezuela mỗi ngày.
"Mỹ sẽ chịu tổn hại nặng nề nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela", Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData nhận định.
Dù phe đối lập hy vọng quân đội sẽ chống lại Maduro, "điều đó không có khả năng xảy ra", Michael Shifter từ tổ chức Đối thoại Liên Mỹ, nhận định. Ông nhấn mạnh rằng các lãnh đạo quân đội gần đây đã tái khẳng định sự ủng hộ với Maduro.
Hakim tin rằng nếu "phe đối lập không đoàn kết và quân đội vẫn duy trì sự ủng hộ cho chính phủ thì kịch bản xảy ra là Maduro vẫn sẽ nắm quyền".
Maduro tháng 5 năm ngoái tái đắc cử nhiệm kỳ hai kéo dài 5 năm, trong cuộc bầu cử bị phe đối lập tẩy chay, Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước Mỹ Latin coi là giả dối.
Paul Hare thuộc Đại học Boston, đánh giá Maduro có thể dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ các đồng minh như Trung Quốc, Nga và Iran. Ông cho rằng các nước này đứng về phía Maduro để chống lại lợi ích của Mỹ chứ không thật sự đồng tình với ông.
Venezuela cung cấp khoảng 300.000 thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc để trả dần khoản nợ 20 tỷ USD. Họ cũng nợ Nga 10,5 tỷ USD. Bắc Kinh và Moskva có khả năng "cố gắng cứu chính quyền, có thể bằng cách yêu cầu một số cải cách kinh tế và tái cấu trúc ngành dầu mỏ", Hare nói. Nhưng đây là con dao hai lưỡi: họ cũng có thể yêu cầu Maduro rời ghế để thay thế bằng một lãnh đạo thâu tóm ít quyền lực hơn.
Eric Farnsworth, Phó chủ tịch Hội đồng các quốc gia châu Mỹ, cho rằng động thái công nhận chóng vánh của Trump có thể dẫn đến những biến động lớn trong chính trường Venezuela. Tuy nhiên, Maduro ít khả năng chấp nhận ra đi như lời kêu gọi của Washington.
"Maduro sẽ không thể khoanh tay ngồi yên trước biến cố này, ông ấy sẽ phải hành động theo cách nào đó", Farnsworth dự báo.
Một kịch bản khác là nếu quân đội từ bỏ hỗ trợ Maduro và phe đối lập bị chia rẽ, quân đội có thể nắm quyền kiểm soát "ít nhất là trong một khoảng thời gian", Hakim dự đoán.
Shifter nói cho rằng khả năng này có thể dẫn đến "kịch bản tồi tệ nhất" là đụng độ giữa quân đội và dân thường hay bất ổn lan rộng.
"Có những hiểm họa đi kèm với việc có các chính phủ song song", ông nói.
Hơn nữa, Trump nói rằng tất cả các phương án đều được cân nhắc - cụm từ có thể được hiểu là không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, việc quan đội ngừng ủng hộ Maduro là điều khó xảy ra vì họ đã nhận được nhiều lợi ích dưới chính quyền của ông. Trong số 32 bộ trưởng của chính phủ, 9 người có xuất thân quân đội và họ kiểm soát các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, nội vụ, nông nghiệp, thực phẩm và cả công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA - doanh nghiệp có vị thế trọng yếu vì 96% doanh thu của Venezuela đến từ dầu thô. Quân đội Venezuela cũng kiểm soát một đài truyền hình, một ngân hàng và một nhà máy lắp ráp xe.
Bruce Bagley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Miami, dự đoán rằng "ít nhất hết năm 2019, chúng ta vẫn sẽ thấy Maduro nắm quyền với sự hậu thuẫn của quân đội, đó là yếu tố quan trọng ở đây".
Kịch bản cuối cùng là giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Maduro cho biết ông sẵn sàng gặp đối thủ, nhưng Guaido nói không muốn tham gia bất kỳ "cuộc đối thoại giả mạo" nào.
Một phần của cộng đồng quốc tế ủng hộ giải pháp này: Liên minh châu Âu coi Maduro là tổng thống bất hợp pháp nhưng chưa công nhận Guaido là tổng thống. Họ kêu gọi thành lập một nhóm liên lạc giữa hai phe. Mexico và Uruguay cũng ủng hộ giải pháp đàm phán.
Nếu may mắn, đối thoại có thể dẫn đến việc tổ chức các cuộc bầu cử mới, Shifter nhấn mạnh.