Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, mỗi nước có 4 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc. Còn Ấn Độ, Ecuador và Brazil mỗi nước 3 doanh nghiệp.
Trong trường hợp kết luận bán phá giá, DOC sẽ áp thuế suất riêng căn cứ trên khối lượng xuất khẩu của từng đơn vị.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hoè cho biết, Việt Nam có tất cả 37 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ. Tất cả những đơn vị này sẽ tham gia trả lời các câu hỏi điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, DOC chỉ chọn 4 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình thấm vấn, điều tra và trả lời tất cả các câu hỏi (thuộc các phần A, B, C và D). 4 doanh nghiệp này đang đứng đầu về doanh số xuất khẩu tôm vào Mỹ, đạt kim ngạch hàng năm khoảng 70-120 triệu USD. Theo luật pháp Mỹ đây được gọi là những bị đơn bắt buộc, hoạt động độc lập và có số lượng xuất khẩu đủ lớn để đại diện cho Việt Nam. DOC sẽ tính toán biện độ thuế chống bán phá giá cho từng bị đơn, sau đó sẽ đưa ra mức thuế bình quân gia quyền (mức bình quân của 4 doanh nghiệp nói trên) để áp cho những doanh nghiệp còn lại.
33 doanh nghiệp khác của Việt Nam không bắt buộc phải tham gia trả lời tất cả các câu hỏi và bị điều tra, tuy nhiên VASEP cho biết, họ cũng tự nguyện tham gia các thủ tục này.
Ông Hoè cho biết thêm, đêm qua, DOC đã gửi câu hỏi điều tra thuộc phần A cho các doanh nghiệp. Hạn cuối cùng để nộp câu hỏi là 17/3. Căn cứ trên phần trả lời của các doanh nghiệp, cùng với kiến nghị của bên nguyên, DOC sẽ xem xét và ra quyết định sơ bộ vào trung tuần tháng 6. 2 tuần sau đó, DOC sẽ cử đoàn chuyên gia đến các nước điều tra thực tế nuôi trồng và chế biến.
Song Linh