Trước khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang ngày 21/2, nhiều nhà quan sát dự đoán ông sẽ đưa ra một tuyên bố quyết liệt về động thái leo thang quân sự ở Ukraine, như ban bố lệnh động viên quân hay thông báo về một chiến dịch mới.
Nhưng Tổng thống Nga đã không đưa ra thông điệp đó. Trong gần hai tiếng phát biểu, ông nhấn mạnh vào mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây, tiếp tục nêu lý do phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời báo hiệu một thời kỳ khó lường về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Quyết định đình chỉ hiệp ước hạt nhân
Điểm đáng chú ý đầu tiên trong Thông điệp Liên bang là quyết định đình chỉ sự tham gia của Nga trong hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START với Mỹ. Hiệp ước được ký năm 2010 nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân mà mỗi nước có thể triển khai.
Mỹ và Nga là hai nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, với số lượng đầu đạn được cho là có thể hủy diệt cả hành tinh.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu theo ràng buộc của New START.
Tổng thống Putin thêm rằng Moskva không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước hạt nhân và nhấn mạnh Nga sẽ không là bên "tấn công trước" bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông cho biết đã chỉ thị cơ quan hạt nhân Nga đảm bảo đất nước có thể sẵn sàng thử hạt nhân bất cứ khi nào cần thiết.
"Tất nhiên chúng tôi không phải là người đầu tiên làm điều này. Nhưng nếu Mỹ thử nghiệm, chúng tôi sẽ làm", ông nói.
Lần gần đây nhất Nga thử hạt nhân là vào năm 1990. Mỹ cũng đã không tiến hành bất cứ vụ thử hạt nhân nào từ sau năm 1992.
Giọng điệu quyết liệt về xung đột Ukraine
Thông điệp Liên bang là cơ hội quan trọng để ông Putin tiếp tục nêu lý do Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng lần này, giọng điệu của Tổng thống Nga trở nên quyết liệt và gay gắt bất thường.
"Chính họ đã khơi mào cuộc chiến. Chúng tôi chỉ sử dụng vũ lực để chấm dứt cuộc chiến đó", ông nói, cáo buộc Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đã tìm cách tấn công Crimea, bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.
Ông nói rằng chính Nga, chứ không phải Ukraine, là bên phải đấu tranh bảo vệ sự tồn tại của mình và đã "làm mọi thứ có thể để tránh chiến tranh". "Chúng tôi không chiến đấu với người dân Ukraine", ông Putin nói, thêm rằng Ukraine đã trở thành "con tin của phương Tây".
Bài phát biểu của ông Putin nhắc lại một loạt bất bình mà lãnh đạo Nga từng đưa ra như là lý do để phát động cuộc chiến ở Ukraine. Ông không đề cập đến những lời kêu gọi rút quân khỏi các vùng kiểm soát ở Ukraine để chấm dứt xung đột.
Thay vào đó, ông tuyên bố Nga sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào đã kiểm soát ở Ukraine, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ khước từ bất kỳ lời đề nghị hòa bình nào trong tương lai.
"Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ là gây ra thất bại chiến lược cho Nga. Họ có ý định biến xung đột cục bộ ở Ukraine thành cuộc đối đầu toàn cầu", ông nói, khẳng định Nga sẵn sàng đáp trả điều đó vì "sự tồn vong" của đất nước.
Thách thức lệnh trừng phạt phương Tây
Tổng thống Putin cũng đưa ra thông điệp thách thức khi nói về các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với nền kinh tế Nga, theo Jacqueline Howard, nhà phân tích của ABC.
Ông cáo buộc phương Tây "phát động tấn công" vào nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt, nhưng tuyên bố họ "không đạt được gì và sẽ không thu được bất cứ kết quả nào".
"Những gì xảy ra gần đây cho thấy hình ảnh phương Tây là bến đỗ an toàn, nơi trú ẩn của nguồn vốn, thực chất chỉ là một ảo ảnh. Có những người coi Nga chỉ là nơi kiếm tiền và muốn định cư ở nước ngoài, để rồi bị phương Tây cướp đoạt tất cả", ông nói, dường như đề cập đến những tài phiệt Nga bị Mỹ và châu Âu tịch thu tài sản.
Theo đó, ông nhấn mạnh các doanh nhân Nga nên "khởi động dự án mới, kiếm tiền và đầu tư vào Nga". "Chạy vòng quanh, van xin tiền từ phương Tây sẽ chẳng có ích gì", Tổng thống Nga nói.
Không đề cập lệnh động viên
Các quan chức tình báo phương Tây nhiều tuần qua dự đoán Nga sẽ ban bố lệnh động viên mới, nhằm huy động ít nhất 500.000 quân cho chiến dịch tấn công mới vào mùa xuân. Nhưng ông Putin đã không đề cập đến điều này trong Thông điệp Liên bang, thay vào đó ông ca ngợi "sự hy sinh" của binh sĩ Nga và gia đình họ.
"Tất cả chúng ta đều hiểu những khó khăn, vất vả của vợ con những người lính đã hy sinh bảo vệ tổ quốc", ông nói, đồng thời thông báo các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho gia đình những quân nhân đã thiệt mạng ở Ukraine.
Thay vì một lệnh động viên bắt buộc có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội, ông Putin lại công bố những phúc lợi hậu hĩnh cho những người nhập ngũ, như lương cao, chế độ nghỉ phép và an sinh xã hội. Giới quan sát nhận định động thái này có thể là một nỗ lực nhằm thu hút thêm tân binh tình nguyện nhập ngũ.
Giới quan sát cho rằng những gì ông Putin đề cập trong Thông điệp Liên bang cho thấy xung đột Ukraine sẽ không có triển vọng sớm kết thúc. "Thay vào đó, Tổng thống Nga dường như trở nên quyết liệt hơn trong tiếp tục theo đuổi cuộc chiến này", Howard nhận định.
Thanh Tâm (Theo NEWS, Time)