Kế vị vua cha George VI năm 1952 khi mới 25 tuổi, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành một biểu tượng của nền quân chủ Anh. Trải qua 70 năm trị vì, bà đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng như những dấu mốc lớn trong cuộc đời.
Giống như Nữ hoàng Victoria, người trị vì từ năm 1837 đến 1901, Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua các lễ kỷ niệm bạc, vàng và kim cương để đánh dấu mốc 25, 50 và 60 năm cầm quyền.
Đại lễ Bạc năm 1977
Các lễ hội đã được tổ chức trên các con phố khắp nước Anh nhân dịp kỷ niệm 25 năm trị vì của Nữ hoàng. Khoảng một triệu người đã tụ tập ở trung tâm thủ đô London để theo dõi lễ rước bằng xe ngựa của Nữ hoàng Elizabeth II.
Trong Đại lễ Bạc, bà cũng có chuyến diễu hành bằng thuyền dọc sông Thames và cùng Hoàng thân Philip tới thăm 36 hạt của Vương quốc Anh.
Hai vợ chồng bà còn thực hiện hành trình tổng cộng 90.100 km tới thăm các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung ở các đảo Thái Bình Dương, New Zealand, Australia, Canada và Caribbe.
Anh đã đúc một số đồng 25 xu nhân dịp kỷ niệm này, trong khi hệ thống tàu điện ngầm London bổ sung thêm tuyến mới có tên Jubilee Line (Tuyến Đại lễ).
"25 năm đã qua chứng kiến nhiều thay đổi với nước Anh", Nữ hoàng Elizabeth II nói trước quốc hội Anh khi đó. "Không còn là một đế quốc, nước Anh đã chấp nhận ý nghĩa của điều đó đối với chúng ta cũng như trong quan hệ với phần còn lại của thế giới".
Bà lưu ý rằng gia nhập Cộng đồng châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), là "một trong những quyết định quan trọng nhất" trong những năm tháng trị vì của bà. Nữ hoàng Anh cũng dự báo về những tiến bộ trong các lĩnh vực như dược phẩm, khoa học, công nghệ và cả truyền hình.
Đại lễ Vàng năm 2002
Hoàng gia Anh trải qua thập niên 1990 nhiều biến động với ba vụ ly hôn, một vụ hỏa hoạn ở lâu đài Windsor và cái chết của công nương Diana. Những điều này đã làm tổn hại danh tiếng của hoàng gia Anh, khiến nhiều người cho rằng Đại lễ Vàng kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ hoàng sẽ thất bại.
Nhưng Đại lễ Vàng đã diễn ra trái ngược với dự đoán. Việc Nữ hoàng mất đi người em gái, công chúa Margaret, vào tháng 2 năm đó và mẹ của bà, Nữ hoàng Elizabeth, qua đời ở tuổi 101 một tháng sau đã khiến công chúng Anh đồng cảm sâu sắc với bà.
Các bữa tiệc đường phố lại một lần nữa xuất hiện trong dịp kỷ niệm kéo dài 4 ngày vào tháng 6/2002.
Một buổi trình diễn nhạc pop tại khu vườn trong Điện Buckingham trước 12.000 khán giả gây ấn tượng với màn trình diễn quốc ca trên mái nhà của Brian May. Khoảng một triệu người ăn mừng sự kiện trên các tuyến phố bên ngoài.
Buổi biểu diễn còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như Paul McCartney, Eric Clapton, Tom Jones, Brian Wilson, Shirley Bassey, Rod Stewart, Tony Bennett, Cliff Richard, và Ozzy Osbourne.
Hoàng tử William và Harry, hai cháu trai của Nữ hoàng, lần đầu xuất hiện trước công chúng cùng mẹ kế Camilla.
Các thành viên Hoàng gia đã đứng trên ban công Điện Buckingham, chứng kiến màn trình diễn của phi đội Concorde.
"Đó là dịp kỷ niệm 50 năm đáng nhớ", Nữ hoàng nói. "Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn lại quá khứ với niềm tự hào nhất định".
Bên cạnh chuyến đi ba tháng vòng quanh nước Anh, bà cũng tới thăm Jamaica, New Zealand, Australia và Canada.
Đại lễ Kim cương năm 2012
Lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh năm 2012 diễn ra cùng thời điểm London tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic.
Sự kiện diễn ra ngày 2-5/6 với một cuộc diễu hành trên sông, hòa nhạc và thắp đèn hoa đăng. Cuộc diễu hành trên sông có 1.000 thuyền tham dự, là sự kiện lớn nhất trên sông Thames trong 350 năm. Ước tính khoảng 1,2 triệu người đã tập trung trên bờ sông để theo dõi, bất chấp trời mưa lớn.
Trong bài phát biểu bế mạc sự kiện, Thái tử Charles đã cảm ơn Nữ hoàng vì đã "khiến chúng tôi tự hào là người Anh", trong tiếng reo hò lớn.
Ước tính 8,5 triệu người đã tham gia Big Jubilee Lunch, thay thế cho các bữa tiệc trên đường phố.
Nữ hoàng Elizabeth II cùng Hoàng thân Philip đã có chuyến thăm vòng quanh nước Anh, trong khi các thành viên hoàng gia khác như Hoàng tử Harry tới thăm các nước trong Khối Thịnh vượng chung.
Tháp đồng hồ tại Tòa nhà Quốc hội được đổi tên thành Tháp Elizabeth và Công viên Olympic cũng được lấy tên của bà.
"Tôi đã cống hiến hết mình trong sự nghiệp phục vụ các bạn", bà nói trong đại lễ, gọi đây là "thời gian để gửi lời cảm ơn nhưng tiến bộ vĩ đại mà đất nước đã đạt được từ năm 1952 và hướng tới tương lai với cái đầu minh mẫn và trái tim ấm áp".
Đại lễ Bạch kim 2022
Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh bắt đầu vào 10h hôm nay (16h giờ Hà Nội) với lễ diễu hành của 1.400 binh sĩ, 200 chiến mã. Đại lễ Bạch kim sẽ kéo dài đến hết 5/6.
Đây nhiều khả năng là Đại lễ Bạch kim đầu tiên và duy nhất của Anh, cũng có thể là lễ kỷ niệm lớn cuối cùng trong triều đại của Nữ hoàng. Người dân nước này sẽ tổ chức nhiều bữa tiệc trên đường phố, các buổi hòa nhạc và các cuộc diễu hành.
Thanh Tâm (Theo AFP)