BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, cho biết có những cây cảnh vừa mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho dịp đầu năm mới, vừa có tác dụng tốt với sức khỏe, như sau:
Cây hoa mai
Hoa mai là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng trong dịp Tết. Theo quan niệm dân gian, nếu hoa mai nở rộ vào đúng Tết, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc dồi dào. Màu vàng tươi của hoa mai tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, đồng thời mang ý nghĩa hy vọng, bình an và hạnh phúc.
Ngoài ý nghĩa phong thủy, hoa mai còn có giá trị y học. Ở miền Nam Việt Nam, vỏ thân cây mai vàng được dùng để ngâm rượu làm thuốc bổ, hỗ trợ tiêu hóa. Tại Campuchia và Lào, lá non của cây mai thường được sử dụng làm rau ăn sống.
Cây hoa cúc
Hoa cúc là loài hoa cao quý, nằm trong bộ tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", tượng trưng cho sự trường thọ và phúc lộc dồi dào. Đặc biệt, hoa cúc vàng trước đây chỉ dành cho hoàng gia, quý tộc, nên được xem là biểu tượng của sự giàu có và quyền quý. Hoa cúc còn mang ý nghĩa phát triển bền vững, thịnh vượng và sức khỏe dồi dào.
Hoa cúc không chỉ đẹp mà còn có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ hóa chất độc hại từ keo, sơn, chất tẩy rửa. Trong y học, hoa cúc được sử dụng làm thảo dược thanh nhiệt, chữa bệnh. Trà hoa cúc và các chế phẩm từ hoa cúc là những bài thuốc dân gian phổ biến. Theo Tây y, hoa cúc chứa tinh dầu, vitamin A, B, axit amin và các nguyên tố vi lượng như selen, giúp chống oxy hóa, lão hóa và bảo vệ tim mạch. Theo Đông y, hoa cúc có vị ngọt, cay, tính hàn, giúp thanh nhiệt, dưỡng âm, ích can và giảm viêm.
Cây phát tài
Cây phát tài là loài cây dễ trồng, ít cần chăm sóc và phát triển tốt trong môi trường thiếu sáng. Đây là loại cây được ưa chuộng để trang trí nội thất, văn phòng, khách sạn và nhà ở. Trong phong thủy, cây phát tài mang ý nghĩa thu hút tài lộc, may mắn và thịnh vượng, đặc biệt phù hợp để trưng bày trong dịp Tết.
Cây phát tài còn có khả năng lọc sạch không khí, loại bỏ các chất độc hại như benzene, toluene, ethybenzene và xylen. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cây phát tài chứa tinh thể canxi oxalat, có thể gây kích ứng niêm mạc nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn nhầm.
Cây quất
Cây quất là biểu tượng quen thuộc trong dịp Tết, đại diện cho sự sung túc, may mắn và no đủ. Theo phong thủy, cây quất với lá xanh tốt, quả vàng sai trĩu tượng trưng cho sự trù phú, hứa hẹn một năm mới "ăn nên làm ra". Tên gọi "quất" trong âm Hán Việt gần giống với từ "cát", mang ý nghĩa cát tường, may mắn.
Cây quất còn hội tụ đầy đủ yếu tố ngũ hành: kim (hoa trắng), thủy (lá xanh), mộc (thân cây), hỏa (quả chín màu cam) và thổ (đất trong chậu), tạo nên sự cân bằng và hài hòa. Theo dân gian, cây quất càng sai quả, quả càng to thì tài lộc càng nhiều. Cành quất trĩu quả còn là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự sum vầy gia đình.
Quả quất có mùi thơm, vị ngọt chua, chứa tinh dầu cay nồng. Theo Đông y, quả quất có tác dụng trị ho, giải rượu, tiêu thực và giảm căng thẳng. Lá quất chứa tinh dầu, giúp giải cảm và trị cảm mạo phong hàn.
Mỹ Ý