Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, thời tiết ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật gây hại sinh sôi, làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, biến đổi màu sắc, sản sinh độc tố gây ngộ độc, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.
Dưới đây là những cách bảo quản thực phẩm hiệu quả trong mùa nồm.
Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là phương pháp cần thiết để giữ nguyên độ tươi ngon và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Đối với thịt và cá, nên trữ đông ở ngăn đá, trong khi rau củ và trái cây nên bảo quản ở ngăn mát. Đặc biệt, không nên để lẫn thực phẩm sống và chín với nhau để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Các loại thực phẩm cần được sơ chế sạch trước khi trữ lạnh, chia thành từng khẩu phần vừa đủ để tránh tình trạng rã đông và trữ đông nhiều lần làm giảm chất lượng. Khi lưu trữ thực phẩm, ưu tiên sử dụng túi zip hoặc hộp kín để đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, cần vệ sinh tủ lạnh định kỳ để hạn chế vi khuẩn tích tụ và lây nhiễm vào thực phẩm.
Các loại thực phẩm khô như gạo, ngô, thóc cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ẩm thấp. Không nên đóng kín các loại thực phẩm này trong bao bì khó thoát hơi, và cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ bị côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, hạn chế tích trữ quá nhiều đồ khô để giảm thiểu nguy cơ ẩm, mốc.
Thói quen để thức ăn qua đêm, đặc biệt là các món canh, xào hoặc có rau đã chế biến, cũng có thể gây nguy hiểm. Nên nấu lượng vừa đủ để sử dụng trong ngày, tránh lưu trữ thực phẩm dư thừa. Nếu cần bảo quản, thức ăn cần được đựng trong hộp kín và đặt trong tủ lạnh, song cũng không nên để quá lâu nhằm giảm nguy cơ ngộ độc.

Nên trữ đồ ăn trong tủ lạnh để hạn chế hư hỏng, nấm mốc. Ảnh: Health
Không gian bếp cần được vệ sinh thường xuyên, đặc biệt trong điều kiện nồm ẩm. Các loại bát đũa sau khi rửa cần phơi khô hoàn toàn, nên hạn chế sử dụng các vật dụng bằng gỗ dễ hấp thụ nước và khó vệ sinh. Việc tráng qua bát đũa, thớt bằng nước nóng trước khi sử dụng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc hiệu quả. Cần tránh dùng chung thớt cho thực phẩm sống và chín để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, sử dụng máy hút ẩm là giải pháp tối ưu nhằm giữ không gian nhà bếp khô ráo, hạn chế sự phát triển của nấm mốc. Đổ rác hàng ngày và giặt sạch các vật dụng như thảm lót cũng là những biện pháp cần thiết giúp duy trì không gian sạch sẽ, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
Thùy An