Theo ThS.BS Nguyễn Thị Quý, Phòng khám Da - Thẩm mỹ Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 cho biết tình trạng mưa bão kéo dài và ngập lụt không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, mà còn tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh về da, phát triển mạnh do tiếp xúc với nước bẩn và môi trường ô nhiễm.
Các bệnh da thường gặp trong mùa mưa bão, cần chú ý, như sau:
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với nước bẩn hoặc các chất kích ứng có trong nước. Các biểu hiện thường gặp bao gồm ngứa, đỏ, mẩn, nổi mụn nước và bong tróc da. Bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được chăm sóc kịp thời, dẫn đến nhiễm trùng.
Nấm da
Nước ngập lâu ngày tạo môi trường ẩm ướt, dễ gây nhiễm nấm. Bệnh nấm da có thể xuất hiện ở chân (nấm kẽ chân), tay, và các khu vực ẩm ướt trên cơ thể. Dấu hiệu nhận biết bao gồm vùng da bị đỏ, ngứa, có vảy và có mùi hôi. Đây là bệnh lý thường gặp khi chân hoặc cơ thể ngâm lâu trong nước bẩn mà không được vệ sinh đúng cách.
Nhiễm trùng da do vi khuẩn
Khi da bị tổn thương do trầy xước hoặc tiếp xúc với vật sắc nhọn trong quá trình lội nước, vi khuẩn trong nước bẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng. Các vết thương nhỏ có thể trở nên nghiêm trọng nếu bị nhiễm vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, dẫn đến viêm mô tế bào, mụn mủ, hoặc thậm chí nhiễm khuẩn huyết.
Ghẻ nước
Do kí sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra khi tiếp xúc với nước bẩn. Triệu chứng điển hình là ngứa ngáy dữ dội, xuất hiện các mụn nước nhỏ ở các vùng da mỏng như kẽ ngón, vùng bẹn, vùng hông... kèm theo vết rãnh ghẻ là các đường ngoằn ngoèo có thể nhìn thấy trên da do con cái ghẻ đào rãnh dưới da để đẻ trứng.
Ghẻ nước thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng thứ cấp nghiêm trọng.
Bác sĩ Quý khuyến cáo khi dọn dẹp sau bão lũ, nên mang giày ủng, găng tay, và quần áo bảo hộ để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nước bẩn và các chất độc hại. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và bệnh ngoài da.
Sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc dọn dẹp, cần rửa tay, chân, và cơ thể bằng xà phòng khử khuẩn để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Không nên để da bị ẩm ướt trong thời gian dài. Nếu bị trầy xước hoặc tổn thương da, cần vệ sinh vết thương bằng dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt, không nên ngâm chân trong nước nếu có vết thương hở.
Trong những ngày ngập lụt, việc giữ vệ sinh cá nhân là vô cùng quan trọng. Thay đồ khô ráo và giữ cho chân tay luôn sạch sẽ, khô ráo để ngăn ngừa sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Sau khi nước rút, cần tiến hành vệ sinh nhà cửa, loại bỏ nước đọng, rác thải và làm sạch các vật dụng tiếp xúc với nước lũ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.
Việc phát hiện sớm các triệu chứng bất thường trên da và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tình trạng bệnh không thuyên giảm, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Mỹ Ý