Ông Hun Sen ngày 26/7 thông báo không tiếp tục làm Thủ tướng Campuchia và con trai Hun Manet sẽ lãnh đạo chính phủ mới trong ba tuần tới. Ông Hun Sen dự kiến được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tôn vương Vương thất, cơ quan gồm 9 thành viên chịu trách nhiệm lựa chọn Quốc vương Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định động thái từ chức nhằm xây dựng nền tảng ổn định lâu dài để đất nước phát triển, nhấn mạnh sẽ không can thiệp vào công việc của ông Hun Manet trong tương lai. Quyết định này cũng sẽ chấm dứt gần 4 thập kỷ nắm quyền của ông, người đã đưa Campuchia vượt nhiều thử thách.
Ông Hun Sen sinh năm 1952 tại làng Peam Koh Sna, huyện Stung Trang, tỉnh Kompong Cham. Thời thơ ấu, vì nhà nghèo, ông rời quê đến Phnom Penh và sống nhờ tại một ngôi chùa để có thể theo học trường Lycée Indra Dhevi.
Ông sau đó trở thành một chiến sĩ du kích và dần dấn thân vào sự nghiệp chính trị. Năm 1975, chế độ diệt chủng Pol Pot lên nắm quyền và thi hành chính sách ép buộc người dân ở các đô thị chuyển về nông thôn, tra tấn, hành quyết hàng loạt, cưỡng bức lao động dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật trên khắp đất nước.
Thủ tướng Hun Sen từng kể lại rằng khi ấy ông "chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết", nên đã quyết định cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia sang Việt Nam vào ngày 20/6/1977 để bày tỏ mong muốn được giúp đỡ của nhân dân Campuchia.
Ông cho hay căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, nước có khả năng giúp đỡ chỉ có Việt Nam. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng.
Quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh tại các tỉnh, thành phố, địa phương khác nhau và đến ngày 7/1/1979 đã hoàn toàn giải phóng thủ đô Phnom Penh.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh nếu không có "hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" bắt đầu ngày 20/6/1977 và những sự kiện tiếp theo thì Campuchia không thể có ngày hôm nay.
Sau khi tập đoàn Pol Pot sụp đổ, với tư cách thành viên trong Mặt trận Thống nhất Cứu quốc Campuchia, ông Hun Sen được bổ nhiệm làm ngoại trưởng của Cộng hòa Nhân dân Campuchia (PRK) lúc bấy giờ, khi mới 27 tuổi. Năm 1985, ông được quốc hội bầu làm thủ tướng, sau khi người tiền nhiệm Chan Sy qua đời.
Ở tuổi 32, ông Hun Sen trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới vào thời điểm đó và ông đã nhiều lần thể hiện niềm tự hào về thành tựu này.
Tại lễ khánh thành một ngôi chùa ở thủ đô Phnom Penh hồi tháng 4, ông Hun Sen cho biết mình đã "phá Kỷ lục Guinness Thế giới" với sự nghiệp chính trị, khi trải qua 4 thập kỷ trên cương vị thủ tướng và 44 năm phục vụ trong chính quyền.
"Kỷ lục đầu tiên là tôi đã trở thành ngoại trưởng trẻ nhất, kỷ lục thứ hai là vinh dự trở thành thủ tướng trẻ nhất và cuối cùng, tôi là thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới", ông nói.
Năm 1993, Hun Sen và đảng của ông, nay là đảng Nhân dân Campuchia (CPP), tham gia cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát. Đảng bảo hoàng FUNCINPEC do Hoàng thân Norodom Ranariddh, con trai cả của Vua Norodom Sihanouk, giành nhiều phiếu hơn trong cuộc bầu cử, nhưng ông Hun Sen vẫn duy trì được quyền lãnh đạo với tư cách thủ tướng thứ hai, chia sẻ quyền lực với Hoàng thân Ranariddh, người giữ chức thủ tướng thứ nhất.
CPP khi đó vẫn bảo toàn được phần lớn ưu thế chính trị của mình, đặc biệt là ở những vùng nông thôn Campuchia.
Trong cuộc bầu cử năm 1998, CPP chiếm đa số ghế trong quốc hội và thành lập chính phủ liên minh để ông Hun Sen làm Thủ tướng duy nhất của Campuchia, chấm dứt khoảng thời gian nước này có hai thủ tướng. Hoàng thân Ranariddh khi đó được bầu làm chủ tịch quốc hội.
Trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2003, CPP một lần nữa dẫn đầu và ông Hun Sen tiếp tục giữ chức Thủ tướng vào tháng 7/2004.
Năm 2008, CPP tiếp tục giành chiến thắng vang dội trong tổng tuyển cử, giành 3/4 số ghế tại quốc hội, giúp Thủ tướng Hun Sen Campuchia tiếp tục giữ vững quyền lực.
Trong cuộc bầu cử năm 2013, CPP không giành được đa số ghế tại hạ viện, với đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập mới được thành lập nắm số ghế còn lại. Tuy nhiên, ông Hun Sen vẫn là thủ tướng và tiếp tục tại vị sau khi đạt được thỏa thuận giữa CPP và CNRP.
Cuộc bầu cử năm 2018 một lần nữa chứng kiến chiến thắng mạnh mẽ của CPP. Ông Hun Sen tái đắc cử với hơn 80% số phiếu bầu, trong khi đảng CPP giành toàn bộ 125 ghế quốc hội.
Dưới thời Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã nỗ lực để đạt vị thế là nước có thu nhập trung bình thấp và dự kiến đạt mức thu nhập trung bình vào năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện đáng kể.
Lĩnh vực sản xuất hàng dệt may đã bùng nổ, tạo ra nguồn việc làm quan trọng, giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7,7% kể từ năm 1998 đến 2019.
Yang Peou, tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia, đánh giá lý do ông Hun Sen có thể dẫn dắt đất nước lâu như vậy là nhờ khả năng lãnh đạo bẩm sinh, tư duy chính trị nhạy bén và vì ông đã tận tụy với đất nước từ khi còn rất trẻ, vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Campuchia.
"Nếu thiếu vắng ủng hộ của người dân, không ai, dù mạnh đến đâu, có thể nắm giữ quyền lực lâu như vậy", ông cho hay.
Trong ngày vận động tranh cử cuối cùng hôm 21/7, khoảng 60.000 người ủng hộ CPP đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm ở Phnom Penh từ rạng sáng để nghe bài phát biểu của Hun Manet, con trai Thủ tướng Hun Sen, người sẽ kế nhiệm ông.
Ly Chanthy, người đã bất chấp trời mưa như trút nước để xem cuộc diễu hành của Hun Manet qua thủ đô, nói rằng bà vẫn nhớ như in những ngày tháng đen tối dưới chế độ diệt chủng Pol Pot và sẽ mãi mãi biết ơn Thủ tướng Hun Sen cũng như rất vui khi được hỗ trợ con trai ông.
"Tôi sẽ bỏ phiếu cho CPP cho đến khi tôi chết", người phụ nữ 58 tuổi nói. "Tôi sẽ không bao giờ quên rằng ông ấy đã cứu mạng chúng tôi khỏi chế độ Pol Pot".
Vũ Hoàng (Theo CNA, Phnom Penh Post, Britanica)