99,8% đại biểu quốc hội Trung Quốc hôm qua bỏ phiếu nhất trí thông qua bản hiến pháp sửa đổi, trong đó xóa bỏ điều khoản giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch, tạo điều kiện để Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi hết nhiệm kỳ hai vào năm 2023.
Giới quan sát đánh giá đây là cuộc bỏ phiếu "lịch sử" của quốc hội Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi lớn trong quan điểm của giới lãnh đạo nước này đối với chức danh chủ tịch, vốn có vai trò được đánh giá là ngày càng quan trọng trong chính trường Trung Quốc, theo NYTimes.
Động thái này của quốc hội Trung Quốc chính thức chấm dứt quy định đã được đưa vào hiến pháp từ năm 1982, sau thời kỳ đầy hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Chứng kiến những bất ổn và rối loạn mà Cách mạng Văn hóa gây ra, các đại biểu quốc hội nhận ra nguy cơ từ việc tập trung quyền lực vào một nhà lãnh đạo tối cao có thể nắm quyền trọn đời. Bởi vậy, họ quyết định thông qua hiến pháp sửa đổi, trong đó nhấn mạnh chủ tịch và phó chủ tịch "không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Nhiều sử gia nhận định Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm cố chủ tịch Mao Trạch Đông, đã đưa ra quy định về giới hạn nhiệm kỳ này nhằm ngăn chặn việc tập trung quá nhiều quyền lực vào một người.
Một số chính trị gia và chuyên viên pháp lý từng tham gia soạn thảo bản hiến pháp năm 1982 của Trung Quốc cho rằng việc áp dụng nhiệm kỳ quá dài cho nhà lãnh đạo quốc gia có thể tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.
"Nếu ai đó nắm quyền suốt 15 năm, người dân sẽ không dám bày tỏ ý kiến với ông ấy", Fang Yi, một trong những người tham gia soạn thảo hiến pháp cách đây gần 40 năm, nói. "Tổng thống Pháp trước đây có nhiệm kỳ 7 năm và có thể tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Nhưng Pháp khác với Trung Quốc, bởi họ có các đảng đối lập có thể chỉ ra sai sót của tổng thống mỗi ngày".
Vấn đề giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch Trung Quốc trở nên quan trọng hơn vào thập niên 1990, khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm là Giang Trạch Dân.
Trong thời kỳ ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền, hai ứng viên tiềm năng có thể kế cận ông đã buộc phải từ chức sau các biến động chính trị, nên ông muốn đảm bảo lựa chọn cuối cùng của mình là Giang Trạch Dân sẽ tiếp quản quyền lực một cách suôn sẻ. Bởi vậy, ông đã giúp Giang Trạch Dân nắm cùng lúc ba vị trí quyền lực nhất là tổng bí thư, chủ tịch nước và chủ tịch quân ủy trung ương vào năm 1993.
Nhưng ông Đặng cũng muốn đảm bảo rằng ông Giang sẽ không nắm quyền lực trọn đời, nên đã thiết lập một hệ thống kế nhiệm rõ ràng bằng cách đề bạt người kế cận tiếp theo của ông Giang là Hồ Cẩm Đào.
Dưới thời ông Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào, chính trị Trung Quốc hình thành một quy tắc mới. Người lãnh đạo cao nhất có quyền lực rõ ràng nhờ nắm ba vị trí chủ chốt, nhưng sẽ phải chuyển giao quyền lực này cho người kế nhiệm sau khoảng một thập kỷ.
"Hệ thống và hình thức lãnh đạo ba trong một, khi một người đồng thời là tổng bí thư, chủ tịch nước và chủ tịch quân ủy trung ương, không chỉ cần thiết mà còn là phù hợp nhất cho một đảng và quốc gia vĩ đại như chúng ta", ông Giang nói năm 2004.
Quy tắc này đã tạo thuận lợi cho hai cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, khi ông Giang Trạch Dân nhường ghế cho ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2002 và ông Tập Cận Bình tiếp quản quyền lực từ ông Hồ Cẩm Đào 10 năm sau đó.
Quyền lực của chủ tịch Trung Quốc
Có vị thế nguyên thủ quốc gia như tổng thống Mỹ hay Pháp, nhưng chức danh chủ tịch Trung Quốc không có quyền lực lớn như các lãnh đạo phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lãnh đạo về mọi mặt và đề ra các chính sách để chính phủ thực hiện, nên tổng bí thư CPC mới được coi là người nắm giữ nhiều quyền lực nhất.
Dù vậy, chủ tịch nước không phải là chức danh mang tính hình thức ở Trung Quốc, bởi người nắm giữ vị trí này có quyền tuyên bố chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp. Tầm quan trọng của chủ tịch nước ngày càng lớn hơn cùng với quá trình hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng của Trung Quốc.
Ở trong nước, ông Tập thường phát ngôn với tư cách là lãnh đạo đảng, nhưng khi ra nước ngoài, ông là Chủ tịch Tập, nguyên thủ quốc gia có thể sánh vai với tổng thống Mỹ hay nguyên thủ các nước khác trong các chuyến công du, điều sẽ không phù hợp nếu ông không phải là chủ tịch nước.
Với tầm quan trọng ngày càng lớn của chức danh chủ tịch như vậy, truyền thông Trung Quốc cho rằng quy định chủ tịch không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp là không phù hợp với thực tế rằng hai vị trí còn lại của lãnh đạo quốc gia là tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương không bị giới hạn về nhiệm kỳ.
Giới quan sát cho rằng ngoài mục đích đồng nhất về nhiệm kỳ đối với ba chức danh chủ chốt, việc sửa đổi hiến pháp còn giúp ông Tập có thể tiếp tục nắm quyền trong thời gian rất dài mà không gặp phải thách thức nào từ đối thủ cạnh tranh quyền lực.
Trong trường hợp chức danh chủ tịch bị giới hạn nhiệm kỳ, ông Tập sẽ phải từ bỏ vị trí Chủ tịch nước vào năm 2023 và bất cứ người kế nhiệm nào cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh quyền lực đối với chiếc ghế Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông.
Ông Tập từng tuyên bố việc hoàn thành "Giấc mơ Trung Hoa" do ông đề xướng phải mất thời gian nhiều hơn một thập kỷ và việc ông nắm giữ cả ba vị trí quan trọng nhất để hiện thực hóa giấc mơ này có vai trò rất quan trọng.
Năm ngoái, ông cho thấy ý định tiếp tục nắm quyền sau năm 2023 khi không đưa ứng viên kế nhiệm nào vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị. Theo truyền thống, bất cứ người kế nhiệm nào cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc đều phải có một ghế trong cơ quan quyền lực nhất này.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi đầu tháng đăng bài xã luận nhấn mạnh việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch không đồng nghĩa với việc "thực hiện chế độ lãnh đạo suốt đời". Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này ám chỉ việc Trung Quốc sẽ không lặp lại sai lầm từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa, dù quyền lực của ông Tập hiện nay được coi là không thua kém ông Mao Trạch Đông.
Nhưng ông Tập đến nay vẫn chưa nói rõ ông sẽ nắm quyền trong bao nhiệm kỳ. "Có lẽ ông Tập vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch rõ ràng, hoặc ông ấy nhận thấy có thể gia tăng quyền lực của mình hơn nữa khi buộc mọi người phải liên tục suy đoán", bình luận viên Chris Buckley của NYTimes nhận định.
Trí Dũng