Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search khảo sát trong quý III/2023 từ 550 doanh nghiệp cùng hơn 4.000 ứng viên làm việc ở nhiều ngành nghề tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM.
Trong quý III, làn sóng mất việc, giảm giờ làm có xu hướng giảm nhiệt song vẫn chịu tác động tiêu cực do tổng cầu thế giới sụt giảm. Hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng và biện pháp ứng phó được lựa chọn nhiều nhất là cắt giảm nhân sự, tiếp đến là ngưng tuyển dụng mới, tăng cường đào tạo chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, điều chuyển nhân sự và cắt giảm giờ làm.
44,4% người lao động được khảo sát cho biết mức lương đã tăng; 44% trả lời lương không đổi, 11,5% bị giảm sút. Phần lớn vẫn nhận được đầy đủ phúc lợi theo quy định và 10% bị giảm sút khoản này. Kinh tế khó khăn trong khi vật giá leo thang, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp trả lương đúng hạn, tăng lương cao hơn mức lạm phát và đảm bảo việc làm.
Để ứng phó làn sóng này, gần 62% lao động tự nâng cao kỹ năng mềm nhằm tăng tính cạnh tranh của bản thân; 54% chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm ngay cả khi chưa có nhu cầu; 51% chọn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Ngoài ra, nhóm giải pháp mà lao động ưu tiên còn có xây dựng kỹ năng mềm, mối quan hệ và chú ý hơn tới sức khỏe tinh thần. Trong một năm tới, hầu hết người lao động không có ý định chuyển việc sang nhóm ngành khác do thị trường còn biến động khó lường.
Năm yếu tố tác động mạnh mẽ tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại của người lao động nếu không được đáp ứng là lương, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến, cân bằng công việc và cuộc sống, sếp quản lý trực tiếp. Trong số này, lương dẫn đầu với 70%; văn hóa công ty gần 36%; cơ hội thăng tiến trong công việc 35,5%; cân bằng công việc và cuộc sống 35,4% và sếp quản lý trực tiếp chiếm 35%.
"Kết quả cho thấy người lao động ngày càng đề cao những giá trị liên quan sức khỏe tinh thần. Chính điều này tạo động lực cho họ từ bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm cơ hội phù hợp hơn", báo cáo nhận định.
Năm 2024, sức khỏe tinh thần sẽ càng được người lao động chú trọng dù có thể vẫn phải ngụp lặn trong làn sóng cắt giảm việc làm. Cụ thể, 49% ứng viên được khảo sát kỳ vọng làm việc linh hoạt - xu hướng ứng dụng nhiều hơn ở Việt Nam và thế giới sau đại dịch; 44% ưu tiên sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Giá trị cộng đồng mà công việc đem lại hay ứng dụng công nghệ là những yếu tố ít tác động nhất tới ứng viên. Nếu phải tìm việc mới, người lao động quan tâm nhất vẫn là lương, tiếp theo là văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến, cơ chế thưởng.
Năm 2024, để ứng phó làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tiếp diễn và tăng tính cạnh tranh cho bản thân, lao động sẽ tập trung phát triển ngoại ngữ và tư duy phân tích (55%), tư duy sáng tạo (48%); kỹ năng giải quyết vấn đề (42%) và 39,5% chọn giao tiếp hiệu quả. Những yếu tố này sẽ giúp người lao động thích ứng tốt hơn với biến động hay thách thức có thể xảy đến, theo Navigos Search.
Kết quả khảo sát cũng khá tương đồng những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng lao động, gồm ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả và giải quyết vấn đề.
Đơn vị này nhìn nhận thị trường lao động đang hồi phục, nhưng chưa thực sự bền vững. Doanh nghiệp vì thế cần nắm bắt tâm lý lao động, xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả; xây dựng cơ chế lương, thưởng minh bạch, hấp dẫn, chú trọng lương như yếu tố hàng đầu thu hút ứng viên khi tuyển dụng. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa nơi làm việc phù hợp giá trị cốt lõi đang hướng đến.
Để giữ chân người tài, doanh nghiệp ngoài chính sách lương thưởng cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mỗi nhân viên, nhìn nhận và đánh giá năng lực của họ thường xuyên dựa vào hiệu suất công việc. Đồng thời, cần chú trọng nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động, áp dụng chính sách linh động về giờ làm, làm việc từ xa nếu phù hợp công việc, tổ chức các hoạt động gắn kết bộ phận nhân viên và quản lý.
Hồng Chiêu