Tôi gần 30 tuổi, chưa lập gia đình, đang làm KOC (là những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, họ sử dụng thử các sản phẩm và đưa ra đánh giá của bản thân, từ đó ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của những người theo dõi). Thu nhập không ổn định, dao động lớn từ 25-45 triệu đồng mỗi tháng, trừ chi phí còn dư khoảng 10-20 triệu đồng. Vì công việc tự do, tôi không có bảo hiểm xã hội. Gần đây, tôi nghĩ với tình trạng này, mai sau khó có gì đảm bảo.
Tôi có tìm hiểu các quỹ hưu trí tự nguyện, phần lớn các bên đều chung một lời khuyên: nên tham gia càng sớm càng tốt. Tuy nhiên bạn bè lại nghĩ tôi lo xa. Một số lại cho rằng nếu quá dư tiền nên đầu tư tài chính, hiện có rất nhiều kênh có tỷ suất lợi nhuận tốt, còn bỏ tiền vào quỹ hưu trí là "chôn vốn". Vì thế, tôi rất cần lời khuyên của chuyên gia.
Minh Hằng
Chuyên gia tư vấn:
Hưu trí là một hành trình lâu dài đến cuối đời và không bao giờ gọi là "quá sớm" cho việc bắt đầu tích lũy. Bạn quan tâm đến việc đảm bảo tài chính cho tương lai của chính mình từ sớm là đúng đắn và rất đáng khích lệ.
Hoạch định hưu trí đòi hỏi cái nhìn tổng quan về khá nhiều khía cạnh trong bức tranh tài chính cá nhân như thu nhập và chi tiêu, tài sản và nợ, dự phòng và quản trị rủi ro... Các yếu tố này sẽ xoay quanh 3 câu hỏi chủ đạo sau đây.
Bạn mong muốn nghỉ hưu ở thời điểm nào? Việc này xác định xem bạn có thời gian bao lâu để tích lũy tài chính cho những năm về hưu. Ví dụ, muốn nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, bạn có hơn 30 năm để tích lũy tài chính. Nếu mục tiêu là hưu trí sớm, chẳng hạn ở tuổi 40, việc xây dựng quỹ tài chính chỉ có 10 năm.
Bạn mong muốn những năm hưu trí của mình như thế nào? Nói cách khác, nhu cầu của bạn về chi tiêu cuộc sống sẽ ra sao? Khi đó, bạn vẫn muốn làm việc và có thu nhập chủ động (dù ít hay nhiều), hay bạn ưu tiên các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch và thể thao? Liệt kê chi tiết các mong muốn, kèm theo thu nhập và chi phí tương ứng, sẽ giúp làm rõ hơn về số tiền cần tích lũy.
Làm thế nào để đạt được mục tiêu tích lũy cho hưu trí đó? Ở bước này, tất cả yếu tố về thu nhập và chi tiêu, tài sản và nợ hiện tại cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội (như lạm phát) cần được tổng hợp, để xây dựng lên dòng tiền cụ thể cho việc tích lũy hưu trí. Việc lựa chọn và phân bổ vào công cụ tài chính nào còn phụ thuộc vào mục tiêu cần tích lũy, cũng như khả năng chịu rủi ro và các thay đổi (nếu có) trong cuộc sống cá nhân như kết hôn, có con hoặc người phụ thuộc về tài chính.
Ưu điểm quỹ hưu trí tự nguyện và những lưu ý
Có nhiều công cụ và phương pháp để bạn tích lũy cho mục tiêu hưu trí. Quỹ hưu trí tự nguyện mà bạn đang tìm hiểu là một trong số đó. Quỹ này là một công cụ tài chính giúp người tham gia nhận một khoản thu nhập bổ sung khi nghỉ hưu, thông qua việc đầu tư một cách đều đặn và dài hạn vào các quỹ được thiết kế sẵn.
Với phương án này, bạn có thể tích lũy định kỳ từ những khoản nhỏ, bắt đầu từ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Phần đóng góp không quá cao giúp giảm áp lực khi thu nhập chưa ổn định. Khoản tích lũy này có thể được ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân (khấu trừ phần thu nhập chịu thuế tối đa 1 triệu mỗi tháng). Bạn có thể chọn quỹ phù hợp với khả năng chấp nhận rủi ro. Việc đầu tư sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia của công ty quản lý quỹ, có kinh nghiệm và chuyên môn. Tình hình phát triển của khoản tích lũy được công bố minh bạch.
Điều bạn cần lưu ý là quỹ này được thiết kế riêng cho mục đích tích lũy tài chính cho những năm tháng tuổi hưu. Do đó, các khoản "lương hưu" (được chi trả hàng tháng) sẽ bắt đầu từ tuổi hưu theo luật định. Ngoài ra, ưu đãi về thuế chỉ áp dụng cho các cá nhân có tham gia Bảo hiểm xã hội nên bạn cân nhắc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trước.
Quỹ hưu trí tự nguyện được áp dụng tại khá nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên hiện tại, các lựa chọn quỹ hưu trí ở Việt Nam còn khá hạn chế, phần lớn đang được doanh nghiệp tham gia và ứng dụng cho nhân viên, thay vì các đối tượng cá nhân riêng lẻ.
Đầu tư tài chính cho hưu trí
Bạn còn quan tâm đến khía cạnh "đầu tư tài chính". Đây là khái niệm rất rộng. Các lựa chọn công cụ, sản phẩm tài chính để đầu tư cũng rất đa dạng, kèm theo đó là những tỷ suất sinh lời rất khác nhau và cả những rủi ro cần lưu ý. Ví dụ, kênh tiền gửi tiết kiệm có thể xem là phương án tích lũy khá an toàn, phù hợp với đối tượng có khẩu vị rủi ro thấp (5-6% mỗi năm). Trong khi đó, thị trường chứng khoán có thể đem lại kết quả rất khác, với các cơ hội tăng trưởng mạnh (lên đến 12-15% mỗi năm) nhưng đi kèm những rủi ro lớn hơn, chỉ hiệu quả với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và có thời gian, kiến thức phù hợp để quản lý việc đầu tư.
Do đó, thay vì phụ thuộc vào chỉ một công cụ, bạn hãy dành thời gian xem xét tổng quan và xây dựng kế hoạch tài chính của bản thân, hướng đến mục tiêu hưu trí. Tôi đề xuất một vài đầu mục quan trọng như sau.
Thứ nhất là thiết lập khoản dự phòng. Dành riêng một khoản dự phòng để sẵn sàng chi tiêu cho các trường hợp khẩn cấp như đau bệnh, mất thu nhập, hỗ trợ người thân đột xuất... Khoản tiền này nên tương đương ít nhất 3-6 tháng chi tiêu, nghĩa là 30-60 triệu đồng khi mức thu nhập của bạn là 20 triệu và chi tiêu 10 triệu mỗi tháng.
Thứ hai là tham gia bảo hiểm. Tham gia Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội tự nguyện là phương án cơ bản để xây dựng quỹ lương hưu và trang trải chi phí y tế khi cần. Ngoài ra, đối với bảo hiểm thương mại (nhân thọ hoặc phi nhân thọ), bạn hãy ưu tiên các chương trình bảo vệ trước các rủi ro về tính mạng và sức khỏe như tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Các rủi ro này, khi chẳng may xảy ra, thông thường sẽ kéo theo tổn hại về tài chính hoặc chi phí y tế rất lớn, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình và kế hoạch tài chính trong lâu dài.
Chi phí phù hợp để tham gia bảo hiểm thông thường khoảng 5-8% thu nhập trung bình năm. Ví dụ, với mức thu nhập hiện tại 20 triệu, tổng phí bảo hiểm nên nằm trong mức 12-20 triệu một năm, trung bình 1-1,6 triệu mỗi tháng. Một vài doanh nghiệp bảo hiểm cũng có các sản phẩm nhắm đến mục tiêu hưu trí. Khi đã hoàn thiện các đầu mục về bảo vệ và thu nhập nâng cao hơn, bạn có thể cân nhắc thêm lựa chọn này.
Tiếp theo là quản lý thu nhập và chi tiêu. Với mức thu nhập 20-45 triệu mỗi tháng và dư sau chi phí 10-20 triệu đồng, mức thặng dư của bạn là khá tốt (tỷ lệ thặng dư 44-50% mỗi tháng). Tuy nhiên, do tính chất nghề nghiệp và thu nhập chưa có tính ổn định, bạn cân nhắc thiết lập thói quen "tiết kiệm trước và chi tiêu sau" để duy trì được kế hoạch tích lũy trong dài hạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp quản lý chi tiêu 50-30-20 (hay còn gọi là "ba chiếc lọ") để thiết lập thói quen này.
Sau đó bạn hãy xây dựng danh mục tài sản. Đầu tư hiệu quả khi cân bằng được các yếu tố về tỷ suất sinh lời, tính đa dạng, tính thanh khoản và tối ưu về rủi ro. Cho dù lựa chọn phương án hay công cụ nào để đầu tư và tăng trưởng tài sản, quan trọng nhất đối với mục tiêu hưu trí đó chính là sự tích lũy dài hạn, đều đặn và kỷ luật. Do đó bạn hãy hướng đến các kết quả đầu tư trong dài hạn, 15-20 năm trở lên.
Tóm lại, nhắc đến hưu trí là nói về việc bắt đầu từ sớm, nhưng không nên vội vàng. Sẽ không có một phương án hoàn hảo và dành cho tất cả mọi người, vì bức tranh tài chính của mỗi người là khác nhau. Bên cạnh tài chính, bạn hãy tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, để nâng cao thu nhập và có những lựa chọn hợp lý, xây dựng được cho mình một kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp nhất.
Đặng Thùy Trang
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT