Thiếu tá Nguyễn Phú Hùng, Trưởng chốt kiểm soát số 2, Đồn biên phòng Ngọc Côn thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, kể lại khi đó để phòng dịch, anh còn hỏi Chị ổn chứ? Có ho, sốt gì không? Nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Anh ngừng tay ghi biên bản, thấy biểu hiện của người phụ nữ "có gì đó không ổn".
Sáng 23/5, hơn 8h, tổ công tác đang lập biên bản lời khai của nhóm công dân vừa nhập cảnh trái phép về từ Trung Quốc. 18 người cả nam lẫn nữ, bị biên phòng phát hiện lúc 2h sáng tại mốc giới 785 - 786 thuộc các thôn Pò Peo - Phia Muông của xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh. Trong đoàn có người phụ nữ 37 tuổi, quê ở Lạng Sơn nói mình "đang mang bầu 7 tháng".
![Người mẹ và em bé được dìu ra khỏi lán sau khi sinh để xuống trung tâm y tế huyện. Ảnh: Bộ đội biên phòng Cao Bằng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/05/26/cb2-3939-1622045135.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gl-WAF_AMiLHDgYCpy6Q-g)
Người mẹ và em bé được dìu ra khỏi lán sau khi sinh để xuống trung tâm y tế huyện. Ảnh: Bộ đội biên phòng Cao Bằng
Hai chiến sĩ biên phòng dìu bà bầu ra võng nằm nghỉ. Nhưng chỉ được vài phút, chị kêu đau nhiều hơn. Sợ thai phụ gặp chuyện, anh Hùng vội điện báo cáo tình hình với lãnh đạo Đồn biên phòng Ngọc Côn, xin cho y tế xuống chốt ngay lập tức. Anh gọi thêm cô Tuyết và một người phụ nữ lớn tuổi đi cùng đoàn vượt biên, hỗ trợ đưa thai phụ vào lán dã chiến nghỉ ngơi. Người đàn ông 47 tuổi trong lúc vội vã vẫn nhớ "phải có chị em đi cùng, mấy anh con trai không lo hết được".
Thượng tá Nông Văn Tiều, Chính trị viên Đồn biên phòng Ngọc Côn, cho biết nhận được tin báo từ chốt, lãnh đạo đồn đã gọi điện cho xã Ngọc Côn nhờ y tế hỗ trợ. Song hôm đó lại là ngày bầu cử, y tế địa phương đều đi cùng tổ bầu cử đo thân nhiệt phòng dịch bệnh. Vì vậy, quân y đang ở cách chốt 5 km được điều động lên hỗ trợ sức khỏe ngay cho công dân.
"Về đây chủ yếu là bà con ta cả, xuất nhập cảnh trái phép là không đúng, nhưng công dân mình gặp khó khăn thì bộ đội phải giúp đỡ. Chưa kể đó là chuyện đau ốm, liên quan đến tính mạng con người. Song lúc đó anh em chỉ nghĩ là đau bụng, chứ không biết chị ấy sắp sinh con", thượng tá Tiều lý giải.
Cùng lúc đó trong lán dã chiến, người phụ nữ vừa đặt mình xuống tấm nệm đã có dấu hiệu trở dạ ngay. Thai phụ sau bốn ngày đường bôn ba từ Quảng Đông (Trung Quốc) trở về Việt Nam đã muốn kiệt sức. Thiếu úy Nguyễn Văn Thin, Hoàng Công Diễn cắt cử nhau lấy nước ấm, rút khăn tắm lớn của bộ đội, sẵn sàng đỡ đẻ. Hai chiến sĩ đứng ngoài cửa lán canh gác làm nhiệm vụ giám sát công dân cũng sốt ruột nghe ngóng. Gần hai chục người vừa vượt biên trở về, tập trung quanh lán chờ động tĩnh.
Người mẹ trong cơn vượt cạn không giống như nhiều phụ nữ thông thường khác phải mất cả tiếng đồng hồ lấy sức rặn đẻ. Chị vừa ngửa được người ra phía sau, đứa bé đã muốn ra ngoài. Trong tình thế đó, anh Hùng, trên người còn mặc nguyên bộ đồ rằn ri dã chiến, cuống quýt, chỉ kịp vớ cái chăn bộ đội, lót phía dưới người mẹ để đỡ lấy em bé.
![Hai mẹ con lên xe của trung tâm y tế huyện đưa về nơi chăm sóc, cách ly sau sinh. Ảnh: Bộ đội biên phòng Cao Bằng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/05/26/cb1-2858-1622045136.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yoe9WyZ8ZilLs1ylGBTEgQ)
Hai mẹ con lên xe của trung tâm y tế huyện đưa về nơi chăm sóc, cách ly sau sinh. Ảnh: Bộ đội biên phòng Cao Bằng
Thằng bé đỏ hỏn, miệng, mặt còn dính dớp nước ối nhắm tịt mắt, khóc váng lên. Nghe tiếng trẻ con vang lên trong lán, những người đàn ông nhìn nhau tạm yên dạ. Ngoài lán, tiếng bàn tán rối rít vang lên, hỏi sao mà sinh nhanh thế. Chiến sĩ ở ngoài chuyển thêm nước ấm, khăn tắm vào thay tã. Hai người phụ nữ lau người cho cháu bé, bọc trong chiếc khăn tắm màu xanh, rồi vệ sinh cho người mẹ.
Anh Hùng nhớ mọi chuyện chỉ trong vòng nửa tiếng, từ lúc người mẹ kêu đau bụng cho tới lúc đứa trẻ chào đời. Nhưng cuộc vượt cạn diễn ra chỉ vài phút, y tế chưa kịp xuống đến nơi và "anh em trong chốt không còn cách nào khác ngoài đỡ đẻ".
Vén bạt bước ra ngoài, thiếu tá Hùng sờ thấy lưng áo mình đẫm mồ hôi. Anh gọi điện báo cáo tình hình với chỉ huy đồn một lần nữa, nói người mẹ đã sinh con. Không có dụng cụ cắt rốn cho trẻ sơ sinh, anh không dám làm liều đành chờ y tế đến. Rồi anh gọi tiếp cho chị Nhã, một người dân thôn Pò Teo thạo việc mua bán, nhờ mua sữa, tã, bỉm cho trẻ con.
Cuộc điện thoại vừa xong cũng là lúc y tế xã Ngọc Côn cùng quân y đồn biên phòng đến nơi. Kiểm tra sức khỏe hai mẹ con đều ổn, những người lính biên phòng mới bỏ được tảng đá đè trong lòng. Anh Hùng nghe các cụ nói "người chửa cửa mả", biết sau sinh nếu không được chăm sóc cẩn thận, sản phụ dễ bị băng huyết, nguy hiểm tính mạng. Người dân sau đó mang tã lót cho em bé sơ sinh, cơm nóng cho người mẹ ăn lấy sức. Hai mẹ con được đưa xuống trung tâm y tế huyện để theo dõi sau sinh và thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Giữa trưa, người mẹ bước lên xe, quay đầu chào cảm ơn cả chốt chống dịch. Thằng bé chân tay ngọ nguậy liên hồi. Mấy anh em ước chừng bé nặng 2,8 kg. Nhìn theo chuyến xe đi, anh Hùng nhớ đến hai cậu con trai của mình, tự dưng mong thằng bé sau này không phải bôn ba nơi đất khách quê người như mẹ nó. Hoặc phải xa quê, thì ở trong một vị thế tốt hơn.
"May mắn mẹ tròn con vuông. Bọn mình không có kinh nghiệm, không có đồ nghề, chưa từng chứng kiến phụ nữ sinh con. Nhưng trong tình thế cấp bách ấy, thực sự anh em không còn lựa chọn nào khác", anh giãi bày việc bộ đội trở thành những "bà đỡ" bất đắc dĩ.
![Chốt chống dịch nơi người phụ nữ sinh con, cũng là một trong hai ba lán nghỉ ngơi của bộ đội biên phòng. Ảnh: Hồng Chiêu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/05/28/cb-9321-1622197138.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qr3Zy6rZXkAJF9hHvWMuWA)
Chốt chống dịch nơi người phụ nữ sinh con, cũng là một trong ba lán nghỉ ngơi của bộ đội biên phòng. Ảnh: Hồng Chiêu
Người đàn ông lớn tuổi nhất chốt bị mấy chiến sĩ trẻ trêu, hỏi lúc đỡ đẻ cho phụ nữ có ngại không. Anh nói cũng ngại, nhưng sinh mạng hai con người quan trọng hơn mọi thứ khuôn phép, lễ nghi và cả nỗi sợ dịch bệnh. Hơn một năm cắm chốt chống dịch, Đồn biên phòng Ngọc Côn tiếp nhận hàng nghìn người nhập cảnh trái phép. Nhiều người trong số đó là phụ nữ có bầu, có con nhỏ, nhưng sinh con tại chốt là lần đầu.
Xong xuôi, bộ đội trở về chốt làm tiếp nhiệm vụ khi mâm cơm trên bàn đã nguội ngắt. Ai nấy và vội bát cơm trưa, xong đổi ca đi bảo vệ hòm phiếu bầu cử buổi chiều. Người vén lều bạt dọn dẹp cái lán vừa đón một đứa trẻ sơ sinh, gom chiếu mang đi giặt dùng tiếp. Chiều tối hôm ấy mưa to, anh em lại khơi thông rãnh quanh lán cho nước tiêu đi, đêm đi gác về còn lấy chỗ nằm ngủ. Một năm rưỡi ăn núi ngủ rừng chống dịch ở đầu nguồn dòng sông Quây Sơn, ngăn người vượt biên trái phép, họ không nhớ đã ôm chân cọc lán bao lần để giữ cho lều bạt khỏi bay đi trong những đêm giông lốc.
Tối đi tuần tra về, anh Hùng gọi điện cho vợ ở thị trấn Trùng Khánh, cách nơi đóng quân gần 20 cây số kể chuyện anh em trong chốt đỡ đẻ. Bị vợ trêu lúc hai con trai chào đời bố đều không có mặt, bận làm nhiệm vụ ở biên giới hoặc đi học, anh chỉ biết cười trừ.
Từ khu cách ly của Trung tâm y tế huyện Trà Lĩnh, qua điện thoại, sản phụ 37 tuổi kể lại trước khi sinh, chị đã đau bụng một lúc vì bôn ba đường dài lẫn lo lắng. "Lúc em bé chào đời cảm thấy nhanh lắm, mọi việc chỉ trong vòng vài phút", người mẹ nói, cả hai đang được chăm sóc y tế, hoàn thành cách ly 21 ngày sẽ trở về địa phương. "Em bé sinh thiếu tháng, nhẹ cân, có dấu hiệu vàng da nên các bác sĩ đang phải theo dõi thêm", chị cho biết thêm.
Đồn biên phòng Ngọc Côn bảo vệ 24,325 km đường biên giới với 32 cột mốc, duy trì 15 chốt chặn ngăn người xuất nhập cảnh qua đường mòn, lối mở. Vị trí đóng chốt chủ yếu là đồi núi, đường mòn khó đi lại, nhiều nơi không nước, không sóng điện thoại. Nhiều chốt vẫn duy trì 1 - 2 lán dã chiến dựng bằng lều bạt cạnh lán chính kiên cố bằng tôn.
Cao Bằng có hơn 333 km đường biên giới giáp Trung Quốc, dài nhất trong 7 tỉnh phía Bắc. Tỉnh giáp bốn huyện Nà Po, Tịnh Tây, Đại Tân, Long Châu của Trung Quốc. Địa hình chủ yếu là núi đá vôi hiểm trở xen lẫn đồi núi thấp, nhiều vách đứng, khe sâu. Từ tháng 2/2020 đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng phát hiện đưa đi cách ly gần 20.000 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.
Hoàng Phương