Ngày 27/2 vừa qua là tròn 31 năm chị My Nga đặt chân lên nước Đức lần đầu tiên. Và cũng gần như từng đấy năm chị quen và yêu chồng mình, anh Tilo, người bạn đời cùng tuổi 48. Hơn ba thập kỷ đã trôi qua nhưng chị vẫn nhớ như in từng rung động, từng ánh mắt của anh... như thể mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Chị Nga đi Đức tháng 2/1988 học nghề sửa chữa động cơ máy móc nông nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Sau hơn nửa năm học tiếng, chị tới một nhà máy ở phố Leninallee, thành phố Halle, để thực tế học nghề. Tại đó, các thầy giáo cùng một số học sinh cũ của trường nghề đã chờ sẵn để giới thiệu và chào đón người mới. Anh Tilo là một trong số các học sinh cũ.
"Hôm ấy tôi không để ý chút nào tới Tilo. Nhưng sau này chồng tôi kể, anh ấn tượng tôi ngay lập tức vì thấy cô bạn nhỏ nghịch quá, mới đến đã lấy búa đập ầm ầm lên đe trong khi anh thay mặt mọi người phát biểu và giới thiệu về các vật dụng trong xưởng", chị Nga kể.
Trên đường ra ga về chỗ ở, nhận ra cậu bạn lúc nãy trong nhà máy, chị rảo bước nhanh hơn, đá vào gót chân làm Tilo loạng choạng, rồi ngước lên xin lỗi một cách vô tội nhất có thể. Tilo mỉm cười: "Không sao" và đi tiếp. Thấy cậu bạn hiền quá, chị lại tiếp tục đi theo sau, đá thêm một lần nữa thật mạnh, nhưng lần này anh Tilo không tin vào lời xin lỗi, mà chủ động đi chậm lại, bắt chuyện.
Tilo rất ấn tượng với cô bạn cùng tuổi nhưng nghịch ngợm, nên thầm để mắt tới chị mỗi ngày. Anh cùng chị đi ra bến tàu, tìm cách để nói chuyện với chị nhiều hơn. Thấy chàng trai Đức hiền lành, thật thà, nên chị Nga cũng thoải mái kết bạn.
Sau giờ thực tập trên xưởng, cô gái Hà Nội trở về ký túc xá tranh thủ làm bài tập và học từ mới. Hôm nào anh cũng đi tàu 50 km, cả đi lẫn về để được ở bên chị tại ký túc, giúp chị học khi cần.
"Ngày ấy buổi tối ký túc xá chỗ anh ở khoá cửa hết, anh về muộn nên bạn anh luôn phải mở sẵn cửa sổ nhà tắm ở tầng một để Tilo có thể trèo vào", chị kể.
Sự kiên trì, chân thành của cậu bạn khiến trái tim cô gái 17 tuổi dần rung động. Noel năm 1988, Tilo đã đưa bạn gái về nhà giới thiệu ba mẹ. Cô gái Việt xinh xắn nhận được sự yêu mến từ gia đình bạn trai bởi sự nhanh nhẹn, gần gũi.
Chị Nga kể thời đó, chuyện tình yêu giữa một người châu Á - châu Âu khá hiếm. Ngay ở trong ký túc xá của chị, học sinh hai nước bị cấm không đến khu vực của nhau. "Rất nhiều người hỏi tôi, tại sao là Tilo? Tại sao là đàn ông Đức mà không phải Việt Nam? Tôi chọn Tilo vì sự kiên trì, vì tình yêu dành cho tôi luôn thể hiện qua đôi mắt, qua sự ấm áp không cần lời nói", chị Nga chia sẻ.
Cuối năm 1989, nước Đức thống nhất, mọi cái thay đổi. Chị và các bạn học xong phải về nước. Tình yêu của họ gặp thử thách lớn khi mỗi người sẽ mỗi nơi. "Ngày ấy tôi nói, tôi nhớ nhà và sẽ trở về Việt Nam, với hy vọng Tilo sẽ cãi lại và nói anh không để tôi đi đâu hết, không thể sống thiếu tôi. Nhưng anh không làm thế", chị Nga kể.
Tilo tin bạn gái nói thật nên không muốn ngăn cản tình yêu cô dành cho gia đình. Anh không nói gì, dù trong lòng rất buồn. Ngày đưa người yêu về lại ký túc xá, anh khóc nức nở nhìn bạn gái trên tàu nhưng chị Nga không ngó ra một lần. Chị nghĩ tình yêu của anh không đủ lớn, và họ kết thúc ở đây.
Nhưng khi trở lại trường, nỗi nhớ anh quá lớn, chị khóc hết nước mắt, đau đớn phát ốm. Chị lại bắt tàu về nhà Tilo, nói rằng chị không thể sống thiếu anh. Anh ôm chị vào lòng và thì thầm mắng bạn gái ngốc nghếch.
Nhưng họ vẫn phải đối diện với thực tế khi đó: Nếu cưới và ở lại Đức, chị Nga sẽ phải trả lại tiền đào tạo cho nhà nước, khi ấy là 20.000 Mark (khoảng 265 triệu đồng bây giờ), món tiền quá lớn. Mẹ Tilo khi đó đã gợi ý chị hãy về nước trước, rồi gia đình bên này làm giấy mời đón sang, chỉ vài tháng là xong.
Nhưng dự định đó hóa ra kéo dài tới 2 năm, và là quãng thời gian khó khăn nhất với chị. Về nước, chị phát hiện mình mang bầu. Cô gái khi đó mới 20 tuổi hoang mang, lo lắng, không hiểu tương lai sẽ tới đâu. Chị báo tin cho Tilo và bố mẹ anh. Nhưng khi đó làm giấy tờ sang Đức rất khó khăn, tìm cách liên lạc với nhau còn khó. Trong 2 năm chị chỉ nhận được 4 lá thư của gia đình anh.
"Ai cũng nói rồi Tilo sẽ chẳng đón tôi sang đâu. Tây mà, họ chỉ yêu thế thôi, còn không xác định. Có khi bên kia nó có đứa khác rồi. Dù vậy, tôi tin vào tình yêu của chúng tôi và tin có ngày sẽ trở lại", chị Nga kể lại.
Tự nhủ phải mạnh mẽ lên nhưng không hôm nào chị không khóc vì cô đơn, sợ hãi. Suốt 9 tháng mang bầu, những ký ức hạnh phúc bên anh đã nuôi dưỡng tâm hồn chị.
Bố mẹ chị buồn nhưng luôn đứng về phía con gái, không ai nói nặng một lời. Tháng 5/1991, chị sinh cậu con trai Daniel. Tilo gửi tiền và quà về Việt Nam. Tháng 9/1992, chị có thể gọi điện thoại sang Đức. Từ lúc đó, cứ chủ nhật 9 giờ sáng bên Đức, tức 15 giờ chiều Việt Nam, chị lại bế con sang trực điện thoại. Được nói chuyện với anh, chị không còn cảm thấy bất hạnh và cô đơn nữa.
Sau nhiều nỗ lực, cả gia đình được đoàn tụ vào ngày cuối tháng 12/1992. Họ tổ chức đám cưới giữa tháng 5/1993, khi cậu con trai Daniel được một tuổi rưỡi. Ngày hôm ấy, cả hai nắm chặt tay nhau không rời.
"Em đến với anh xa người thân, gia đình, bè bạn, anh sẽ cố gắng bù đắp tất cả cho em. Anh muốn chúng mình không chỉ là vợ chồng mà luôn là bạn nữa", anh Tilo nói với vợ.
Sau thời gian dài xa cách, anh Tilo luôn cố gắng bù đắp tình yêu cho vợ con. Sau giờ làm, anh dành hết thời gian cho gia đình nhỏ, giúp chị chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Ngày chị sinh bé thứ hai năm 1996, anh vào phòng sinh động viên vợ nhưng lại ngất xỉu vì lo lắng. Ngay khi tỉnh dậy, anh nằng nặc xin y tá vào lại vì không muốn để vợ một mình vượt cạn.
Hiện tại, anh chị có cuộc sống hạnh phúc bên hai con trai, anh Tilo là đốc công tại chi nhánh khai thác vật liệu thô cho một tập đoàn lớn, còn chị Nga ở nhà lo việc nội trợ. Vài năm một lần, cả nhà chị lại về Việt Nam thăm gia đình bên ngoại, lần gần đây nhất là tháng 8/2018.
Một lần chị muốn lên thành phố để làm việc, anh nói với vợ: "Nếu vợ không hạnh phúc nữa thì đi đi, khi mệt mỏi hãy trở về. Chồng sẽ chờ vợ mãi mãi". Chỉ cần nghe câu nói đó, bao ấm ức trong lòng chị Nga đều tan biến. Chị biết, sẽ khó có thể tìm được ai yêu và trân trọng chị như người đàn ông đã bên mình hơn 30 năm qua.
Mộc Miên