Hồi nhỏ, mỗi lần tôi thèm ăn một món gì đó, sau khi tôi bày tỏ, mẹ tôi sẽ nói: "Hồi xưa mẹ đói khổ, không có cơm ăn, phải ăn độn khoai, mì. Bây giờ có cơm ăn là quý lắm rồi".
Lên lớp 6, trường cách nhà 4 km, tôi bắt đầu mơ về một chiếc xe đạp. Nhưng bố tôi dập ngay: "Hồi xưa bố đi học cũng đi bộ. Có mỗi bộ đồ, mồ hôi đầm đìa thì về thay rồi giặt ngay, làm gì có xe đạp mà đi".
Tôi được dạy bằng cách so sánh với những ngày gian khó của bố mẹ. Cứ mỗi lần tôi có một "ham muốn" nào đó, dù rất bình thường với một đứa trẻ, thì y như rằng lại bị nhấn chìm bởi một câu chuyện quá khứ kham khổ của bố mẹ.
Những câu chuyện ấy không sai, không độc hại, nhưng dần dà chúng trở thành một kiểu công thức để... ngăn cản, hơn là thấu hiểu.
Thực tế lúc ấy nhà tôi không nghèo. Bố mẹ có cửa hàng buôn bán, gia đình đã khá lên. Nhưng cái cách mà bố mẹ cố tình thể hiện sự thiếu thốn, giấu đi khả năng tài chính thực sự, để "dạy con biết quý trọng", đến giờ vẫn khiến tôi ám ảnh.
Gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảm giác "không được phép vì thời bố mẹ nghèo khổ". Không phải vì thiếu thốn, mà vì bị dập tắt từ trong ý nghĩ. Mỗi ước muốn của tôi đều bị đưa lên bàn cân với quá khứ của người lớn, rồi bị xem là đòi hỏi quá đà, là "không biết điều".
Giờ đây khi đã có con, tôi bắt đầu tự hỏi: Liệu giả nghèo nuôi con có còn phù hợp?
Không thể phủ nhận rằng bố mẹ tôi làm vậy vì thương. Họ sợ tôi hư, sợ tôi lớn lên trong đủ đầy thì sinh hư, không biết quý trọng. Họ làm điều đó với mong muốn tốt giống như rất nhiều bậc phụ huynh thế hệ trước. Nhưng mong muốn tốt không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt.
Khi lớn lên, tôi thấy mình gặp khó khăn trong việc hiểu và thể hiện nhu cầu cá nhân. Tôi thường tự phủ định mong muốn của bản thân vì sợ... mình "tham". Tôi cũng mất khá lâu mới học được cách mua cho mình một món đồ không vì lý do "hợp lý", mà đơn giản vì... tôi thích.
Điều đáng buồn là: Cái nghèo giả tạo trong giáo dục đôi khi lại sinh ra những tổn thương thật.
Bây giờ khi nhìn con mình lớn lên, tôi chọn cách khác. Tôi không kể cho con những câu chuyện "hồi xưa bố nghèo lắm" mỗi khi nó đòi mua một món gì đó. Tôi chọn lắng nghe nhu cầu, cùng con phân tích, rồi thỏa thuận. Không phải món gì con cũng có, nhưng nếu con thật sự muốn, tôi sẽ không viện cớ "ngày xưa bố mẹ đâu có" để từ chối.
Tôi nghĩ con cái không cần phải chịu đói để biết quý bữa ăn. Không cần phải đi bộ 4 km mới hiểu giá trị của một chiếc xe đạp. Và chúng càng không cần phải lớn lên trong cảm giác "bố mẹ mình không có", trong khi sự thật là có, chỉ là không muốn cho.
"Giả nghèo nuôi con" từng là một phương pháp, và nó có thể hiệu quả ở một thời điểm nào đó. Nhưng trong xã hội ngày nay, khi chúng ta có đủ điều kiện và kiến thức để nuôi dạy con bằng sự tôn trọng và đồng hành thì có lẽ, chúng ta nên thay đổi.
Thay vì nuôi con bằng cảm giác thiếu thốn, hãy nuôi con bằng sự hiểu biết. Thay vì ngăn con mơ ước, hãy dạy con cách biến ước mơ thành hiện thực.
Tôi không trách bố mẹ mình. Họ đã làm điều tốt nhất có thể trong hoàn cảnh và nhận thức của họ. Nhưng tôi tin, thế hệ chúng ta, những người từng lớn lên với "cái nghèo giả", hoàn toàn có thể là những người đầu tiên nuôi con bằng sự trung thực và đủ đầy đúng nghĩa.