Nhóm cũng cho rằng Google đã ưu tiên các sản phẩm của mình hơn là đưa ra kết quả tìm kiếm trung lập, gây bất lợi cho các đối thủ khác.
Trước đó, ngày 20/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google. Vụ kiện có sự tham gia của 11 bang tại Mỹ và được đánh giá có quy mô lớn, tương tự hai vụ kiện chống độc quyền nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử: Microsoft năm 1998 và AT&T vào năm 1974 khiến "đế chế" viễn thông, điện thoại di động của Bell System sụp đổ.
Đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ và nhóm 30 luật sư có nội dung tương tự nhau, cùng cáo buộc Google đã hành động bất hợp pháp để duy trì vị thế của mình trong lĩnh vực quảng cáo và dịch vụ tìm kiếm trên Internet. Theo đơn kiện, nếu không có sự can thiệp của tòa án, Google "sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chống lại sự cạnh tranh, làm tê liệt quy trình cạnh tranh, giảm lựa chọn của người tiêu dùng và cản trở sự đổi mới".
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ, Google đang chiếm hơn 90% thị phần dịch vụ tìm kiếm tại Mỹ, với riêng thiết bị di động là trên 95%. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho biết các nhà điều tra đã phát hiện Google không cạnh tranh về chất lượng kết quả trả về mà họ bán quyền xuất hiện cho các nhà quảng cáo. Hơn nữa, họ còn trả tiền để được làm công cụ mặc định trên các thiết bị công nghệ.
Google chưa đưa ra phản hồi sau đơn kiện của nhóm 30 luật sư. Trước đó, khi bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc, đại diện công ty tìm kiếm này cho rằng đây là một "thiếu sót sâu sắc" và "mọi người sử dụng Google vì họ chọn, không phải vì họ bắt buộc phải làm như thế và họ không thể tìm được các lựa chọn thay thế tốt hơn".
Google gần đây phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý tương tự ở nước ngoài. Năm 2019, Liên minh châu Âu phạt công ty này 1,7 tỷ USD vì ngăn các trang web sử dụng công cụ tìm kiếm của đối thủ liên hệ với các nhà quảng cáo. Năm 2017, hãng cũng bị phạt 2,6 tỷ USD vì "ưu ái gà nhà" trong kết quả tìm kiếm về lĩnh vực mua sắm. Năm 2018, với lý do ngăn các đối thủ xuất hiện trên hệ điều hành Android, công ty cũng bị phạt 4,9 tỷ USD.
Bảo Lâm (theo Reuters)