Chiều 16/5, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, Sở Giao thông Vận tải Thái Bình, Công an huyện Hưng Hà và đại diện Tổng cục Đường bộ đã có buổi làm việc kéo dài nhiều giờ với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh.
Sau cuộc họp này, phía doanh nghiệp tiếp tục nhốt 3 xe công vụ của Tổng cục Đường bộ tại khu vực xây dựng đường liên tỉnh Hưng Yên - Thái Bình.
Theo Công ty Phương Anh, cuộc họp không có lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ mà chỉ có cán bộ đại diện. Do đó, những câu hỏi doanh nghiệp nêu ra xoay quanh việc Tổ kiểm tra liên ngành đúng hay sai khi vào công trường chặn xe, yêu cầu kiểm tra trọng tải, tự ý tháo tem đăng điểm xe... đều không có câu trả lời.
![]() |
Đoàn xe chở quá tải và cơi nới thùng xe của công ty Phương Anh. Ảnh: Phương Linh. |
Công ty Phương Anh cho biết, trong ngày 17/5 họ sẽ làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
"Chúng tôi không muốn làm khó dễ cho Tổng cục Đường bộ vì doanh nghiệp đâu được lợi gì, lại còn thiệt hại kinh tế. 7 chiếc máy công trình chôn chân tại công trường để giữ 3 xe công vụ. Nếu Tổng cục cho rằng Tổ kiểm tra liên ngành làm đúng thì phải chứng minh được việc làm đó đúng pháp luật, chứng minh thấy xe tải của doanh nghiệp sai", đại diện Phương Anh kiên quyết.
Tham gia cuộc họp, ông Hoàng Thế Lực, Phó vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ) cho VnExpress biết việc kiểm tra xe quá tải trọng trong các công trường được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải. Thậm chí việc kiểm tra có thể tiến hành trong các cảng biển, nhà ga, kho bãi vì phải chặn xe quá tải từ đầu nguồn. Với sự việc tại Thái Bình, tổ công tác có đầy đủ công lệnh, quyết định kiểm tra theo kế hoạch.
Cũng theo ông Lực, doanh nghiệp Phương Anh cho rằng tổ công tác vào công trường là chưa chính xác vì khu vực xe công vụ bị nhốt tại nút giao gần dự án. Doanh nghiệp thuê đoạn này làm đường phục vụ dự án nên vẫn có nhiều phương tiện qua lại.
Việc thu giữ tem kiểm định, ông Lực cho rằng quy định của ngành cho phép thanh tra giao thông làm việc này. "Vì lái xe thường chống đối không giao nộp giấy tờ và tem kiểm định nên thanh tra giao thông phải tự bóc tem và tạm giữ đến khi doanh nghiệp tự giao nộp đủ giấy tờ sẽ dán trả lại", ông Lực giải thích.
Ông Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thái Bình cho biết, vụ việc căng thẳng khi phía doanh nghiệp cho rằng xe chạy trong phạm vi dự án của họ, không tham gia giao thông trên đường. Về phương tiện, doanh nghiệp đã có sai phạm chở quá tải và cơi nới thùng xe.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay cán bộ Tổng cục đã làm việc, giải thích với doanh nghiệp Phương Anh song công ty này cố tình chây ỳ, không thả xe. Tổng cục sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu làm rõ việc chống người thi hành công vụ của công ty Phương Anh.
Trước đó, ngày 13/5, Tổ liên ngành Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) thực hiện kiểm soát xe quá tải tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Tại khu vực dự án làm đường huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tổ liên ngành phát hiện 3 xe chở quá tải và thay đổi kích thước thùng xe. Các xe này đều chở vật liệu phục vụ thi công dự án xây dựng đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty Phương Anh là nhà thầu.
Khi lực lượng liên ngành yêu cầu dừng xe kiểm tra, các lái xe không xuất trình giấy tờ, không hợp tác, gọi điện nhờ người can thiệp và đi khỏi hiện trường. Sau hơn 6 tiếng, tài xế trên mới xuất trình giấy tờ xe. Khi lực lượng chức năng yêu cầu cân tải trọng, tài xế tiếp tục bỏ đi.
Từ sáng 14/5 đến nay, Công ty Phương Anh dùng 4 xe lu và 3 máy xúc quây đoàn xe của Tổ liên ngành.
Đoàn Loan - Giang Chinh