Cụ thể mới đây, Công ty United Concord International (UCI), một trong 2 thành viên liên doanh GISH, đã đâm đơn ra toà án thành phố đòi Radiant Investments Limited (RIL) - đối tác nước ngoài còn lại đang nắm giữ 51% cổ phần liên doanh GISH - trả 2% cổ phần và 345.000 USD.
Vụ kiện đang trong giai đoạn hòa giải. Phía RIL phản tố, yêu cầu UCI hoàn trả khoản tương ứng 17% cổ phần mà đối tác này cho United mượn hồi mới thành lập liên doanh để góp vốn vào GISH.
Tháng 10 năm ngoái, UCI cũng đã tiến hành một vụ kiện khác đối với RIL, yêu cầu tòa hủy nghị quyết Hội đồng quản trị công ty liên doanh. Nội dung nghị quyết thay thế chức Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm của ông Nguyễn Văn Hảo, đại diện của UCI trong liên doanh.
Tháng 4 vừa qua, tòa án đã có phán quyết sơ thẩm, bác yêu cầu kiện của UCI, cho rằng nghị quyết thay người điều hành của Hội đồng quản trị liên doanh GISH là hợp pháp và có hiệu lực. UCI đang kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
![]() |
Khách sạn Park Hyatt nằm ở vị trí đẹp nhất TP HCM. Ảnh: ivivu |
Trước đó, sau khi UCI nộp đơn kiện lần thứ nhất, RIL cũng đệ văn bản đến tòa, yêu cầu bảo vệ tính pháp lý và công nhận nghị quyết mới của hội đồng quản trị. Tuy nhiên, theo quy định tố tụng, UCI gửi đơn trước nên tòa thụ lý, RIL trở thành bị đơn.
Tranh chấp quyền lực
Grand Imperial Sài Gòn là công ty liên doanh được thành lập năm 1994. Phía Việt Nam có Công ty xây lắp công nghiệp, nay là Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn, góp 30% vốn chủ yếu bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản. Bên nước ngoài có 2 công ty tham gia liên doanh là Pengkalen Holdings Berhad (PHB), sau chuyển thành RIL 51% cổ phần; và UCI 19% còn lại. Khách sạn Park Hyatt bắt đầu được khai thác năm 2005.
Mặc dù RIL nắm giữ phần lớn vốn trong liên doanh GISH, nhưng ông Nguyễn Văn Hảo, đại diện UCI được Hội đồng quản trị chỉ định làm Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị.
Theo điều lệ liên doanh, nhiệm kỳ tổng giám đốc trong vòng 5 năm. Song cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 90 đã khiến dự án Park Hyatt gặp trở ngại. Nhiệm kỳ tổng giám đốc kéo dài cho đến nay.
Sáng 10/7, Chủ tịch Hội đồng quản trị RIL Dato Jaya JB Tan giải thích, do ông Hảo là người môi giới cho liên doanh và xúc tiến dự án khách sạn Park Hyatt, có nhiều mối quan hệ rộng với chính quyền nên việc đề cử ông Hảo vào 2 chức vụ cao nhất trong thời điểm năm 1994 là thuận lợi cho dự án mới.
Ông Tan cũng cho biết, 19% vốn góp của UCI trên thực tế là tiền của RIL (hơn 3,5 triệu USD với các chứng từ ngân hàng), phần UCI và ông Hảo chỉ thực góp 345.000 USD. Do đó, việc ông Hảo và UCI kiện đòi cổ phần là vô lý, mà thậm chí còn phải trả lại tiền cho Radiant Investments Limited.
Cả đại diện RIL và GISH, ông Ngô Thanh Tùng, đều cho rằng hiện ông Hảo mất tín nhiệm đối với Hội đồng quản trị và cũng bất hợp tác. "2 năm liền hội đồng quản trị không nhận được báo cáo tài chính, chi thu từ người đứng đầu liên doanh", ông Tùng cho biết.
Theo giải thích của RIL, thời gian qua không nắm được thu chi của liên doanh như thế nào, đối tác Việt Nam là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn đề nghị kiểm toán GISH với 3 nội dung là xem lại khoản dự trù ngân sách ban đầu, tìm nguyên nhân chi vượt ngân sách và xác định số tiền chi vượt. Song công ty kiểm toán không thể tiếp cận thông tin vì tổng giám đốc không đáp ứng, nên chỉ xác định được số tiền chi vượt 8 triệu USD.
Sau nhiều lần mời họp không thành vì gặp sự im lặng từ phía ông Hảo và UCI, Hội đồng quản trị với 8 thành viên của 2 đối tác Việt Nam và RIL (tổng cộng 81% cổ phần) cùng ký vào nghị quyết thay thế Tổng giám đốc và Chủ tịch hội đồng quản trị. 2 thành viên khác thuộc UCI từ chối ký.
Từ đó phát sinh cuộc chạy đua kiện đòi cổ phần và quyền lực giữa 2 đối tác nước ngoài của khách sạn 5 sao nằm ở vị trí "đắc địa" tại TP HCM hiện nay. Phía ông Hảo cho rằng, United Concord bị xử ép và có khả năng bị thôn tính hết tài sản góp vào liên doanh. Còn RIL thì nói, mình đang nuôi ong tay áo và gặp kẻ "ăn cháo đá bát".
Phan Anh