Trong khi đa số vaccine đều được đưa vào cơ thể thông qua đường tiêm, một số loại vaccine có thể được bào chế dưới dạng uống. Cơ chế hoạt động chính của vaccine đường uống là kích hoạt các tế bào miễn dịch nằm ở niêm mạc đường tiêu hóa, giúp củng cố hàng rào bảo vệ tại đây. Cũng vì lý do này, vaccine đường uống thường chỉ được dùng để phòng ngừa các bệnh lý lây nhiễm qua đường tiêu hóa.
Vaccine ngừa bệnh tả
Vaccine tả được dùng để thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại mầm bệnh ở những đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao. Vaccine có thể được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm hoặc uống. Tuy nhiên, đường uống thường phổ biến hơn do dễ thao tác và có tính an toàn cao.
Vaccine ngừa bệnh tả đường uống chứa các chủng vi khuẩn Vibrio cholerae ở dạng sống, giảm độc lực hoặc bất hoạt. Trong đó, vaccine mORCVAX do Việt Nam sản xuất thuộc nhóm vaccine bất hoạt được chỉ định cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn sống trong vùng dịch tả lưu hành. Vaccine được sử dụng 2 liều, liều sau cách liều đầu tối thiểu 2 tuần. Để tăng cường hiệu quả bảo vệ, trẻ em và người lớn có thể uống nhắc lại vaccine ngừa tả sau liều cơ bản 2 năm hoặc trước mỗi mùa dịch. Phác đồ chủng ngừa nhắc lại cũng gồm 2 liều cách nhau tối thiểu 2 tuần.
Vaccine ngừa thương hàn
Hiện nay, có hai loại vaccine được sử dụng để ngừa bệnh sốt thương hàn do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra là vaccine sống, giảm độc lực và vaccine bất hoạt. Trong đó, vaccine dùng đường uống thuộc dạng vaccines sống, giảm độc lực.
Dù không phổ biến như dạng đường tiêm, vaccine đường uống vẫn có thể được sử dụng để phòng bệnh sốt thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Vaccine sẽ được dùng dưới dạng viên nang, liều cơ bản gồm 3 - 4 viên, uống cách ngày. Mỗi viên nang nên được nuốt hoàn toàn (không nhai) và được dùng khoảng một giờ trước khi ăn. Những đối tượng vẫn có nguy cơ cần dùng thêm một liều vaccine thương hàn trợ kháng mỗi 5 năm.

Vaccine ngừa thương hàn đường uống, liều cơ bản gồm 4 viên. Ảnh: Shutterstock
Vaccine ngừa virus rota
Virus rota là nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại virus này lây nhiễm qua đường tiêu hóa và có thể gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Nguy hiểm hơn, trẻ em nhiễm virus rota có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Trước khi vaccine xuất hiện, hầu hết trẻ em đều từng phơi nhiễm với loại virus này ít nhất một lần trong 5 năm đầu đời.
Sử dụng vaccine là một trong những cách hiệu quả giúp ngăn ngừa virus rota. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thống kê, khoảng 7 trong số 10 trẻ em nhận được sự bảo vệ chống lại các bệnh do virus này gây ra ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào sau khi tiêm vaccine.
Không giống các loại vaccine khác được cung cấp cho cơ thể theo nhiều con đường. Hiện nay, vaccine ngừa virus rota chỉ được sử dụng dưới dạng đường uống. Trong đó, hầu hết các vaccine này đều là vaccine sống, giảm độc lực.
Tùy loại vaccine mà trẻ có thể được cho uống 2 - 3 liều. Trong đó, liều đầu tiên thường được uống vào lúc trẻ 6 - 12 tuần tuổi, các liều còn lại cách nhau ít nhất 4 tuần. Bố mẹ nên cho trẻ uống vaccine ngừa virus rota trước 24 tuần tuổi đối với các loại vaccine có 2 liều và trước 32 tuần tuổi đối với các loại có 3 liều.
Dù mang lại khả năng bảo vệ cao, người uống đầy đủ vaccine vẫn có khả năng bị bệnh. Vì vậy, những đối tượng sống trong khu vực có dịch vẫn cần áp dụng thêm các phương pháp khác như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Phương Quỳnh (Theo Uofmhealth, CDC, NHS)