Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 7, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, thị trường đất nền sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) không ghi nhận nguồn cung mới được chào bán. Lực cầu (nhu cầu) chung toàn thị trường lao dốc, không có giao dịch thành công trên thị trường sơ cấp do giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản kém kỷ lục so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Vào cuối tháng 7, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn. Đơn vị này dự báo sự phục hồi của thị trường phụ thuộc vào tình trạng khống chế dịch bệnh ở địa bàn TP HCM và các tỉnh thành khác.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu phát triển DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 7, lần đầu tiên thị trường đất nền TP HCM và các vùng (tỉnh) phụ cận gần như không có giao dịch mua bán do việc giãn cách xã hội. Ông Hoàng cho rằng có ít nhất 3 lý do khiến thị trường đất nền tiếp tục trầm lắng kéo dài.
Lý do thứ nhất, nhà đầu tư đất nền thường phải đi đến tận nơi xem xét vị trí và hiện trạng khu đất rồi mới quyết định xuống tiền mua. Việc mọi người phải ở nhà để phòng dịch đẩy thị trường đất nền thứ cấp lao dốc.
Lý do thứ hai khiến đất nền suy giảm trên thị trường thứ cấp, theo ông Hoàng, đó là tâm lý thận trọng của người đầu tư ngay cả khi họ có điều kiện tài chính. Đa số mang tính chờ đợi hết giãn cách và quan sát xem thị trường biến động như thế nào.
Lý do thứ ba, một số người có điều kiện tài chính đã chuyển dòng tiền sang chứng khoán trong thời gian chờ thị trường bất động sản hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội.
Ông Hoàng phân tích thêm, không chỉ sụt giảm thanh khoản ở phân khúc đất nền phân lô mà các phân khúc khác như căn hộ, nhà phố biệt thự đều gặp nhiều khó khăn, mãi lực kém trong tháng 7 vừa qua. Một số ít các nhà đầu tư nếu sử dụng vốn vay và bị áp lực tài chính đến hạn phải trả trong khi các khoản thu nhập bị ảnh hưởng do dừng hoạt động kinh doanh buôn bán/cho thuê ... nên phải rao bán giảm giá để thoát hàng.
Tuy nhiên, việc giảm giá của nhà đầu tư thứ cấp chưa đại diện cho toàn thị trường vì động thái này có thể chỉ mang tính giảm lợi nhuận kỳ vọng của người rao bán. Số người giảm giá thực để cắt lỗ, thoát hàng thường do bị áp lực tài chính. Trong khi đó, đa số người mua đầu tư mang tính dài hạn, chấp nhận để đó chờ qua dịch.
Trung Tín