Ngày 19/4, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay đang nghiên cứu 5 quy hoạch chuyên ngành cùng lúc là đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đơn vị tư vấn đề xuất 3 kịch bản đầu tư hạ tầng cho cả 5 lĩnh vực trên trong 10 năm tới. Kịch bản một, cần khoảng 900.000 đến một triệu tỷ đồng (chiếm 1-1,1% GDP) với một số công trình lớn như 5.000 km đường bộ cao tốc, sân bay Long Thành, cảng Lạch Huyện, đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Kịch bản hai được coi là đột phá với nhu cầu đầu tư ước tính 1-1,2 triệu tỷ đồng (chiếm 1,1-1,3% GDP), bao gồm hoàn thiện 5.000 km đường bộ cao tốc; đầu tư đường sắt tốc độ cao 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang; tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại nối với cảng Lạch Huyện; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu và kết nối với cảng Cái Mép.
Các dự án khác sẽ được đầu tư như nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; duy tu nạo vét đường thủy để khai thác vận tải container từ Hải Phòng đến Phú Thọ; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; nâng cấp luồng cho tàu 200.000 tấn vào cảng Cái Mép; đầu tư các cảng mới như Nghi Sơn, nam Hòn Dấu, Trần Đề.
Kịch bản hai cũng nêu dự kiến đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 2, hoàn thiện nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; mở rộng sân bay Điện Biên, Côn Đảo...
Kịch bản 3 có nhu cầu đầu tư khoảng 1,4-1,5 triệu tỷ đồng (chiếm 1,6-1,7% GDP), trên cơ sở kịch bản 1 và dự kiến đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang và các tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Dạ, Dĩ An - Lộc Ninh.
Bộ Giao thông Vận tải xác định mục tiêu đầu tư hạ tầng phải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tăng bình quân 6,8% mỗi năm; vận chuyển hành khách đạt 10,4 tỷ khách, tăng 7,3% mỗi năm.
Để thực hiện, ngành giao thông sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông quốc gia thiết yếu, có tính kết nối vùng miền, khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc như đường bộ cao tốc, đường vành đai, các nút thắt hạ tầng đường sắt, các cảng biển lớn ở phía bắc và phía nam; cảng hàng không Long Thành; nút thắt về đường thủy giữa các vùng và cảng biển.
Đường bộ vẫn là ngành có thế mạnh bởi sự linh hoạt ở cự ly ngắn và trung bình, khả năng kết nối các loại hình khác; mục tiêu là vận chuyển hàng hóa 2.764 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 62% và 9.430 triệu lượt khách (90% thị phần).
Ngành đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới hiện đại nhằm tạo bước đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn hiện có; khối lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần 0,3%; 460 triệu khách (4,4% thị phần).
Ngành hàng không có mục tiêu vận chuyển 3,3 triệu tấn hàng hóa, chiếm thị phần khoảng 0,08% và 162 triệu hành khách (1,5% thị phần).
Tại cuộc họp bàn về quy hoạch hạ tầng giao thông tuần qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu quan điểm: "Nếu chỉ dành khoảng 2% GDP đầu tư hạ tầng giao thông như nhiều năm qua, không biết đến khi nào mới giải quyết được điểm nghẽn của ngành". Ông yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất nguồn lực đầu tư để đột phá hạ tầng giao thông lên 4-5% GDP thay vì 1-2% như kiến nghị của tư vấn lập quy hoạch.
"Trong quy hoạch cần nêu rõ, nhu cầu vốn mỗi nhiệm kỳ bao nhiêu, giải quyết được vấn đề gì, kinh tế phát triển ra sao?", ông Thể nói.
Lãnh đạo ngành giao thông cũng gợi ý, các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư hạ tầng giao thông, sau đó thu phí hoàn trả vốn Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Thể, khi đầu tư bằng hình thức PPP thì phải trả lãi cho nhà đầu tư 10-11%/năm. Trong khi, vốn nhà đầu tư góp vào dự án chủ yếu là tiền của các tổ chức tín dụng huy động từ người dân. Nếu phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất chỉ 3-4%/năm, khi công trình hoàn thành sẽ thu phí hoàn trả vốn Nhà nước, cách làm như vậy "rõ ràng hiệu quả hơn đầu tư PPP".
Giải pháp khác được ông Thể nêu ra là nghiên cứu phát hành trái phiếu công trình, lấy tiền cho nhà đầu tư vay với lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đảm bảo tiến độ nhanh và hiệu quả.
Với góc nhìn chuyên gia, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư, cho rằng đầu tư cho giao thông cần đi trước một bước vì đây là huyết mạch đất nước. Vốn đầu tư hạ tầng là cho tương lai 30-40 năm chứ không chỉ 10 năm. "Ví dụ nếu dồn lực xây dựng các tuyến đường trục chính thì các năm sau không phải đầu tư nữa, hàng triệu người được hưởng những lợi ích của hạ tầng này", ông Đông nói.
Ông Đông nêu quan điểm, với một đất nước trải dài, mật độ dân số cao thì phương tiện công cộng cần được phát triển mạnh, trong khi đó ngành đường sắt thời gian qua không được đầu tư cao khiến lượng vận tải hàng hóa và hành khách khá thấp. Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn cho đường sắt trong 10 năm tới để tăng tỷ trọng vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa bằng đường sắt sẽ giảm chi phí logistic so với đường bộ, qua đó doanh nghiệp Việt Nam mới cạnh tranh được với nước ngoài.
"Các nước khác còn vay tiền đầu tư hạ tầng giao thông, chúng ta không nên so đo mà cần dồn nguồn lực cho lĩnh vực này để tạo đột phá", ông Đông nói.
Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu vốn theo các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải là 2,4-2,5 triệu tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải tính toán là 1,4 triệu tỷ đồng.
Thực tế bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động đạt khoảng 980 nghìn tỷ đồng (trong đó, 474.000 tỷ đồng bố trí từ ngân sách, chiếm 48%; 505.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách, chiếm 51%), trung bình đạt 98.000 tỷ đồng mỗi năm.