Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết triệu chứng thường gặp của bệnh nhân Covid-19 là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ hoặc đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số ít trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Nhiều trường hợp tiến triển dần nặng lên, diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi người. Bác sĩ Khanh cho hay có 6 dấu hiệu trở nặng bệnh nhân Covid-19 cần lưu ý: Đầu tiên là khó thở, biểu hiện dễ nhận thấy như khi bạn đang nằm ngửa thấy thở khó quá phải ngồi dậy, hoặc đang ngồi phải ngồi thẳng dậy để dễ thở hơn. Thứ hai, nhịp thở nhanh (trên 20 lần/phút). Thứ ba, đau hoặc tức ngực thường xuyên. Thứ tư, SpO2 dưới 94%. Thứ năm, bệnh nhân trở nên không còn tỉnh táo. Thứ sáu, môi, da, móng tay nhợt nhạt, thậm chí tím tái lại.
Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) giúp bệnh nhân Covid-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng. Đây là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do Covid-19.
Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).
Bác sĩ Khanh hướng dẫn, bạn mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây. Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt. SpO2 dưới 94% là dấu hiệu trở nặng, cần liên hệ y tế ngay.
Bác sĩ hướng dẫn ba cách cải thiện sức khỏe cho F0 khi cách ly tại nhà:
Thứ nhất là tập thở. Bệnh nhân mắc Covid-19 bị khó thở có thể do hai nguyên nhân. Một là bệnh nhân quá lo lắng. Hai là họ thực sự có tổn thương ở phổi. Do đó, việc tập thở sẽ giúp người bệnh chú tâm vào nhịp thở để bớt lo lắng đi. Ngoài ra, khi tập thở, toàn bộ vùng phổi phía gần cơ hoành sẽ nở hết ra, giúp phổi trao đổi oxy tốt hơn.
Bạn có thể tập lúc nằm hoặc ngồi, nằm ngửa ra hít chậm bằng mũi, cho đến khi phình bụng sau đó chu miệng thở ra như thổi lửa 15-20 nhịp mỗi lần, ngày 4-5 lần. Ngồi cũng hít sâu sau đó thở ra. Hít giơ tay lên theo nhịp sau đó thở ra.
"Bắt buộc phải tập thở nếu triệu chứng nhẹ, và phải đi bệnh viện nếu khó thở nặng hơn, không còn cách nào khác", bác sĩ nói và khuyến nghị F0 phải bình tĩnh, tập thở thường xuyên.
Khi bạn khó thở mà chưa được hỗ trợ y tế, giải pháp bác sĩ đưa ra là nằm sấp. Đây là phương pháp hiệu quả với bệnh nhân khó thở liên quan đến Covid-19. Bác sĩ phân tích, thông thường ta chỉ thở phần phổi trên, chỉ có những người tập khí công hoặc yoga mới tập thở phần dưới của phổi. Tuy nhiên, khi bị Covid-19, phần trên không đủ trao đổi khí thì phải sử dụng tất cả vùng dưới của phổi. Do đó, việc nằm sấp sẽ huy động được tất cả phần phổi ở ở phía sau. Ngoài ra, thay đổi tư thế nằm nghiêng bên phải và nằm nghiêng bên trái để tất cả phổi hoạt động.
Cụ thể như sau: Bắt đầu nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút đến hai tiếng, sau đó chuyển sang nằm nghiêng bên phải 30 phút đến hai tiếng rồi chuyển sang ngồi dậy (30-60 độ) từ 30 phút đến hai tiếng. Tiếp theo, bạn chuyển sang nằm nghiêng bên trái, trở lại tư thế nằm sấp và co chân, cuối cùng trở lại vị trí nằm sấp trong 30 phút đến hai tiếng.
Cuối cùng, trong quá trình cách ly, bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng, cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, nên uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể. Lưu ý tập các động tác thể dục vừa sức, không tập thể dục nặng, đọc sách, báo, tìm kiếm tin tức tích cực, giảm stress...
Ngoài ra, trong bữa ăn bạn nên kết hợp bổ sung các thực phẩm gia vị vào trong món ăn để nâng cao sức đề kháng như tỏi, gừng, hanh, hẹ. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng.
Bác sĩ khuyến cáo nếu gia đình có F0, việc đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, sau đó xem xét xem người nào trong nhà có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, người lớn tuổi, người có bệnh nền... Từ đó phải cách ly riêng F0 và những người khác, không ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện chung. Đặc biệt phải dọn sạch sẽ nhà cửa, nhất là nhà vệ sinh - nơi dễ lây nhiễm virus nhất.