From: Nguyễn Thành Phát
Sent: Wednesday, July 06, 2011 10:37 AM
Gửi chị Linh,
Tôi là độc giả nam, tôi giật mình và hơi ngạc nhiên vì đâu đó có một vài nét tính cách của mình hơi giống như ông xã của chị ở nhà. Vì vậy, tôi xin được phép phân tích và chia sẻ đôi lời cùng chị, với hy vọng chị sẽ không đánh mất hạnh phúc lớn lao và mái ấm gia đình đang trong quá trình gây dựng.
Về sự nghiệp và kinh tế gia đình, tôi nghĩ anh đang bắt đầu trên con đường gây dựng sự nghiệp riêng của mình, và chị có công việc ổn định. Tiền bạc thì không là vấn đề anh chị phải bận tâm nhiều, hai bên nội ngoại đều êm ấm và quan tâm nhiều đến con cháu. Anh chị đang có một bé trai, một bé gái. Anh thì rất lo cho gia đình, tập trung vào sự nghiệp và không bê tha. Vậy thì thử hỏi, những cái mà chị đang có là niềm ước mơ của bao nhiêu người, có đáng để chị đấu tranh và gìn giữ không?
Vấn đề của anh chị ở đây theo tôi nằm ở khía cạnh thấu hiểu nhau và cùng nhau chia sẻ gánh vác gia đình. Đầu tiên là thấu hiểu được tính cách của chồng chị và những giá trị của "hắn":
+ Thứ nhất, chồng chị là người đàn ông rất độc lập và có trách nhiệm với gia đình, một điều mà rất nhiều phụ nữ mong muốn có ở người chồng. Bằng chứng qua những lời chị kể là anh ít la cà bên ngoài, buổi chiều sau giờ làm là về nhà chơi với con; bố mẹ vợ bảo về nhà ở chung nhưng anh nhất quyết vẫn thuê nhà ở bên ngoài. Đặc biệt thông qua việc dạy con trai của mình, anh đã truyền cho nó tính tự lập ngay từ bé.
+ Thứ hai, anh thực sự không phải là người gia trưởng, mà là kiểu người mưu cầu sự hoàn hảo 100%. Nó xuất phát từ con người tự lập của anh, cái gì cũng muốn tự làm lấy, không muốn nhờ vả ai, và đổi lại luôn mong muốn người vợ cũng phải hoàn hảo, cũng phải đảm đương được việc nuôi dạy con cái và nhà cửa. Đức tính này không phải không tốt, nhưng đôi khi làm cho người khác cảm thấy ức chế và mệt mỏi, vì đâu phải cái gì cũng phải như ý muốn của mình. Và người vợ cũng rất sợ những kiểu ông chồng như thế này, vì suốt ngày luôn bị xét nét từng ly từng tý.
Qua những lời tâm sự của chị, tôi cũng thấu hiểu được phần nào những khó khăn chị gặp phải. Và tôi muốn nói với chị một điều rằng, những điều cộc cằn, những hành động tay chân của chồng chị, cũng xuất phát từ những khó khăn mà chồng chị đang gặp phải. Vấn đề ở đây là vợ chồng chị chưa có thời gian để dừng lại và tâm sự cùng nhau.
Đối với người đàn ông, sự nghiệp luôn là hàng đầu, và anh ta đang trong giai đoạn đầu của lập nghiệp, với bao nhiêu khó khăn đang gặp phải (ông bà ta hay thường bảo vạn sự khởi đầu nan mà). Chị thử hình dung với những ức chế của công việc ở công ty (trăm rối tơ vò), lại thêm về nhà con cái oe oe, vợ hơi "vụng về" trong chăm sóc thì tâm trạng của người đàn ông như thế nào?
Đối với hoàn cảnh của chị, tôi chỉ xin góp 2 lời khuyên chân thành sau:
Một là, anh chị cùng nhìn nhận lại những khó khăn đang gặp phải để cùng nhau giải quyết. Đối với chị, vừa lo công việc của cơ quan, lại lo 2 cháu nhỏ ở nhà và cũng là thời gian đầu ra riêng, cáng đáng một gia đình mới. Chị còn trẻ, với bao nhiêu cái còn mới mẻ trong cuộc sống gia đình có con cái, chưa bao giờ từng trải qua. Có thể nói chị là kiểu mẩu của gia đình trẻ hiện đại, vợ vừa lo đi làm vừa phải lo việc nhà, vất vả vô cùng. Đối với anh, đó là người đàn ông tự lập, đang bước đầu gánh vác một sự nghiệp, bắt đầu là một người chủ của gia đình nhỏ.
Thứ hai, chị nên là đồng minh của chồng, để chồng có thể yên tâm xây dựng sự nghiệp. Bằng cách nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ trong việc tư vấn và chăm sóc con cái. Tôi từng thấy nhiều cặp vợ chồng đều đi làm, có con mà không có sự giúp đỡ của các bậc "tiền bối" thì tình cảnh ôi thôi "rối như canh hẹ". Nếu anh nhà không đồng ý thì chị có thể giải thích rằng, mẹ chị từng sinh con, chăm sóc con, từng chăm sóc cho gia đình bao nhiêu năm thì chắc hẳn rằng có rất nhiều kinh nghiệm và chị có thể học hỏi thêm để ổn định và chăm sóc gia đình, để anh cho thể xem vợ và gia đình là chỗ dựa cho anh yên tâm "chiến đấu".
Còn về sự cọc cằn, tay chân của anh thì xuất phát từ tính cách và từ những khó khăn trong cuộc sống mà ra. Chị có thể hóa giải qua bước một là ổn định việc nhà cửa cho anh yên tâm; bước 2 là hỏi han chồng về công việc để cùng chia sẻ; bước 3 là góp ý để anh thay đổi dần dần (việc này không phải một sớm một chiều, vì "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời").
Tôi tin là chỉ qua bước một anh sẽ xem chị là người vợ giỏi giang, qua được bước 2 anh ta sẽ xem chị là đồng minh, và qua được bước 3 thì chị sẽ nhìn thấy lại người đàn ông của chị "đã lạc mất" trước khi có con và sóng gió.