Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng giải trình về điều chỉnh tổng mức đầu tư và bố trí kế hoạch vốn nước ngoài tại dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Sài Gòn).
Theo đó, cơ quan này thừa nhận và nêu rõ trách nhiệm của 3 Bộ, ngành: Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và UBND TP HCM trong việc để dự án này kéo dài, đội vốn thêm 30.000 tỷ đồng sau 4 năm đầu tư. Thực tế trách nhiệm này cũng đã từng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra.
Trách nhiệm 3 Bộ và TP HCM
Điểm trách nhiệm của UBND TP HCM, Bộ Kế hoạch cho rằng, thành phố đã có sự hiểu khác về công văn 1506 ngày 25/8/2011 của Thủ tướng nên đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ. Trong khi đó, đây là dự án phải báo cáo Quốc hội xem xét mới được điều chỉnh tổng mức đầu tư.
"Thành phố cũng chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách Trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư điều chỉnh được phê duyệt. Hợp đồng vay lại ký giữa Bộ Tài chính và UBND thành phố tháng 7/2017 không có giá trị phần vốn vay lại", văn bản của Bộ Kế hoạch chỉ rõ trách nhiệm của TP HCM.
Khuyết điểm và trách nhiệm này cũng được UBND thành phố thừa nhận trong văn bản báo cáo Thủ tướng về dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. "Quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án của Chủ tịch thành phố chưa đủ chặt chẽ về mặt pháp lý", UBND TP HCM thừa nhận.
Bộ Tài chính chưa phối hợp chặt chẽ với thành phố để thống nhất giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách Trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Bộ Giao thông Vận tải - cơ quan được Chính phủ uỷ quyền báo cáo Quốc hội về dự án, chưa phối hợp chặt chẽ với UBND TP HCM và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng việc Quốc hội chưa có ý kiến với tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án này.
Về phần mình, Bộ Kế hoạch thừa nhận trách nhiệm trong giám sát đầu tư, chưa kịp thời phát hiện vấn đề phối hợp với UBND thành phố và Bộ Giao thông báo cáo Chính phủ, để sớm báo cáo Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh dự án, làm ăn cứ pháp lý cho việc triển khai dự án cũng như công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công.
Metro số 1 Sài Gòn đội vốn 30.000 tỷ
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP HCM phê duyệt vào tháng 4/2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Sau đó 4 năm, thành phố đã điều chỉnh mức đầu tư dự án này lên hơn 47.000 tỷ, tăng khoảng 30.000 tỷ so với vốn đầu tư ban đầu. Trong đó, hơn 41.800 tỷ đồng là vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), trên 5.400 tỷ còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Tháng 9/2011, UBND TP HCM ban hành quyết định 4480 phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư mới nhưng chưa nêu rõ giá trị phần vốn ngân sách Trung ương cấp phát và phần vốn địa phương vay lại.
Tại cuộc họp Quốc hội tháng 10/2011, Bộ trưởng Giao thông thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Trong báo cáo, Bộ này nêu sự thay đổi tổng mức đầu tư dự án tăng 30.000 tỷ đồng. Bộ nêu nguyên nhân, sự cần thiết phải điều chỉnh dự án và kiến nghị Quốc hội cho ý kiến và theo dõi, giám sát trong suốt quá trình triển khai.
Giải trình về tình hình giải ngân vốn cho dự án này, cơ quan ngành kế hoạch cho biết, đến hết năm 2016, tổng số vốn đã giao và giải ngân ngân sách Trung ương của dự án đã đủ con số tạm tính trước đây là 9.192 tỷ.
Đến hết tháng 8/2017, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách giao đợt 2 năm 2017 khoảng 2.066 tỷ đồng, tương đương 97,5% vốn được giao.
Tổng vốn nước ngoài của TP HCM trong kế hoạch trung hạn được giao là 13.500 tỷ đồng, trong đó năm 2017 hơn 4.034 tỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt gần 3.170 tỷ, khoảng 78,6% tổng vốn ODA được Quốc hội phê duyệt. Căn cứ vào các quy định hiện hành tỷ lệ giải ngân của TP HCM mới đạt 78,6% đến hết tháng 8/2017 nên chưa đủ điều kiện bổ sung hoặc ứng trước vốn nước ngoài cho dự án.
Báo cáo Quốc hội vướng mắc metro số 1 Sài Gòn
Vướng mắc của dự án này, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, do Quốc hội chưa có ý kiến về việc điều chỉnh, tăng mức đầu tư dự án; chưa xác định rõ giá trị phần vốn kế hoạch ngân sách trung ương cấp phát trong tổng mức đầu tư được phê duyệt, dự kiến điều chỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài đến hết tháng 8/2017 của TP HCM chưa đủ điều kiện để bổ sung hoặc ứng trước kế hoạch vốn nước ngoài.
Trong khi đó, do liên tục "đói" vốn, kế hoạch đưa tuyến metro đầu tiên của TP HCM vào hoạt động từ năm 2020 có nguy cơ phá sản.
Bộ Kế hoạch kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM cập nhật, rà soát thẩm tra việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, báo cáo Chính phủ xem xét và trình Quốc hội. Bộ Giao thông cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính, thành phố xác định rõ giá trị vay lại của dự án.
Bộ Kế hoạch cũng đề nghị Thủ tướng uỷ quyền cho Bộ Giao thông thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2018 về việc điều chỉnh dự án để Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, làm căn cứ tiếp tục triển khai dự án, phân bổ vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách.
Dài gần 20 km, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020. Hôm 24/10, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cùng nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã khởi công lắp đường ray của tuyến metro số 1, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. |
Anh Minh