Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính trưng cầu ý kiến, trong đó đề xuất mức thuế 10% đối với nước ngọt có ga không cồn. Lý do cơ quan soạn thảo đưa ra là sản phẩm này có thể gây một số bệnh như tiểu đường, béo phì, dạ dày, gút hoặc thậm chí ung thư.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính góp ý cho việc sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng lý do cơ quan soạn thảo đưa ra chưa thực sự thuyết phục, bởi đây mới chỉ là khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế mà chưa được kiểm chứng trên cơ sở các luận cứ khoa học đầy đủ. Cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính giải trình bổ sung về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng có ga không cồn mà không đánh thuế với loại nước ngọt khác.
Trước đó, Bộ Tư pháp cũng có văn bản không đồng tình với luận cứ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga không cồn. Còn Bộ Công Thương cuối tháng 3 cho rằng, thực tế trong những năm gần đây, tại hai doanh nghiệp lớn trong ngành do cơ quan này quản lý là Habeco và Sabeco, nước ngọt có ga không cồn tỷ trọng tăng trưởng thấp nhất. Do đó, việc đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế cần cân nhắc vì sẽ tác động tiêu cực đến việc đầu tư, phát triển ngành.
Bộ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga không cồn cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị, chưa đưa mặt hàng nước ngọt có gas vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới. VSSA cho rằng, tiêu thụ đường của người Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ 15kg mỗi năm, trong khi bình quân trên thế giới là hơn 23kg. Do đó, với hàm lượng đường từ 8 -12% trong các sản phẩm nước ngọt có gas không cồn hiện nay thì lượng đường đã tiêu thụ cho đồ uống này không quá lớn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp thuế đối với các sản phẩm này sẽ giúp tăng thu ngân sách. Cụ thể đến năm 2016 số thu ngân sách sẽ tăng thêm 1.500 tỷ đồng và vào năm 2018 sẽ là 1.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Diễn đàn về triển vọng ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam” ông Trần Kim Chung, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu giá nước ngọt tăng 1% thì lượng cầu sẽ giảm 2,8%. Nếu thu 10% thuế với mặt hàng này tại giá bán lẻ, lợi nhuận mất đi mỗi năm của ngành đồ uống Việt Nam sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu đưa thuế vào giá xuất xưởng, lợi nhuận mất đi sẽ vào khoảng 851 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu được dự kiến tăng thêm cho hai trường hợp trên lần lượt chỉ là 145 tỷ và 234 tỷ.
Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cũng lo ngại, việc áp thuế sẽ có tác động lên thị trường và ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất nước ngọt có gas trong nước. Ngoài ra, việc đánh thuế không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất mà nhiều công ty nhỏ liên quan đến ngành này như vận tải, những đơn vị sản xuất nhãn mác, chai thủy tinh, người trồng mía nguyên liệu… sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu nhu cầu cho đồ uống có ga đi xuống. Lãnh đạo một số doanh nghiệp còn lo ngại việc đánh thuế sẽ tạo cơ hội cho buôn lậu.
Nếu được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Theo số liệu báo cáo của Cục thuế các tỉnh, tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn.
Ngọc Tuyên