Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức Diễn đàn về triển vọng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam.
Tại đây, đề xuất đánh thuế 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn được đưa ra trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Ông Phan Hữu thắng, Giám đốc Công ty tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng việc ban hành chính sách này cần được thực hiện một cách cẩn trọng và công bằng.
Cụ thể, đại diện này cho răng việc không áp dụng luật thuế mới phải trả lời được các câu hỏi: đây có phải sản phẩm xa xỉ không, có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng không và liệu mức thu có làm tăng thu ngân sách. “Theo quan điểm của tôi, việc xem xét phải xét trên cơ sở sự phát triển tổng thể nhất của nền kinh tế”, ông Thắng phát biểu.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các nhà làm luật cần đưa ra giả định nếu đánh thuế thì nhu cầu và lượng sản xuất mặt hàng này sẽ giảm. Theo đó, chính sách trên sẽ có hiệu ứng như thế nào lên toàn cục nền kinh tế vì đóng góp ngành giải khát vào GDP là khá lớn.
“Tuy nhiên, đó mới là những con số thể hiện tác động trực tiếp. Ngoài ra, còn phải tính toán các tác động đối với yếu tố việc làm, người lao động, các hiệu ứng gián tiếp như nhà cung cấp mía đường, khoáng chất...”, ông Chung nhận định.
Tại diễn đàn, đại diện Ban thực phẩm và đồ uống thuộc AmCham cho rằng, một số quốc gia khác đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng dựa trên tỷ lệ đường, chứ không phải cơ sở ga. “Về cơ bản, đồ uống có tỷ lệ đường lớn mới là tác nhân gây béo phì, tiểu đường… chứ không phải carbonate hóa” (hay còn gọi là CO2 – thành phần chính trong nước ngọt có ga), vị này cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Sesto Vecchi, Luật sư điều hành Công ty Russin & Vecchi (Mỹ) cũng cho rằng không một quốc gia nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa riêng vào carbonate hóa.
Theo ông, điều này là chưa thực sự công bằng với nhà đầu tư nước ngoài, bởi 88% thị phần nước ngọt có ga hiện nay ở Việt Nam là các doanh nghiệp FDI. “Sắc thuế này có thẻ ảnh hưởng tới một số cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO”, ông Sesto Vecchi cho hay.
Nhiều nhà sản xuất trong nước cũng chưa thực sự đồng tình với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% nêu trên. Đại diện Công ty Tân Quang Minh (sản xuất các loại nước Bidrico) cho rằng, thực chất, nếu thực thi mức thuế trên thì giá trị này lại được đổ sang cho người tiêu dùng. “Trong khi đó, sức mua trên thị trường đang kém, đánh thuế có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn với doanh nghiệp. Và một khi sản lượng, doanh thu giảm, sản xuất đình trệ thì việc tăng thu cho ngân sách liệu có đạt được hay không?”, vị này đặt câu hỏi.
Diễn đàn cũng sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, vị này không đưa ra bình luận về các ý kiến trên. Trước đó, trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cơ quan này cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo, các chuyên gia, nhà làm luật có cân nhắc và tham khảo mặt bằng một số quốc gia quanh khu vực. Theo đó, tại Campuchia, tất cả các loại đồ uống đều chịu thuế 10%, Thái Lan đánh thuế 20% đối với nước có ga không cồn, một số loại khác còn chịu thuế tới 25%…
Theo số liệu báo cáo của Cục thuế các tỉnh, tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước ngọt có ga không cồn.
Nước ngọt có ga, không bao gồm dạng diet (ăn kiêng), được liên hệ với chứng béo phì, do có chứa đường. Các quốc gia phương Tây đã áp thuế lên nước ngọt có ga như Phần Lan, Hungary, Na Uy. Tháng 11 năm ngoái, Thượng viện Mexico thông qua đánh thuế 8 cent trên một lít nước ngọt có ga. Trong khi đó, nhiều cơ quan nghiên cứu tại Anh và Ấn Độ từ năm ngoái cũng kêu gọi tăng thuế mặt hàng này lên 20% để giảm bệnh béo phì và tiểu đường. Pháp cũng chính thức áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga đầu năm 2012, với 7,14 euro trên 100 lít, tương đương khoảng 6% giá một chai nước. Vài ngày trước, Thượng viện Pháp cũng đề xuất nâng thuế này lên 20% sau các báo cáo cho thấy tình trạng béo phì tại châu Âu đang gia tăng. Tuy nhiên một số nước cũng đã cân nhắc và từ bỏ quyết định áp thuế như Indonesia, Philippines, Italy, Ireland, Đức, Hàn Quốc, Đan Mạch, Bỉ hay Anh... Ở Mỹ năm 2013, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt được đề xuất ở 11 tiểu bang nhưng chưa nơi nào ban hành. Không một quốc gia nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga mà chỉ dựa riêng vào CO2. |
Ngọc Tuyên - Hà Thu