Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, đề án này đã được Tổng cục trình Thủ tướng xem xét và đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành.
Theo đề án, những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên cộng điểm trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, tạo điều kiện học nghề, xin việc...
Ông Trọng cho biết, hiện nay đã có nhiều tỉnh thực hiện các biện pháp nhằm tôn vinh và hỗ trợ những gia đình sinh con gái một bề như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Long An... Các địa phương này thường có hình thức khen thưởng đối với các gia đình sinh con gái có kinh tế khó khăn nhưng vươn lên học tốt. Thái Bình tặng quà (quạt cây), Phú Yên còn tôn vinh và tặng quà các bà mẹ sinh con một bề mà sản xuất kinh doanh giỏi...
Theo ông Trọng, 3.000 tỷ đồng là một khoản ngân sách lớn, nhưng đứng trước nhiều nguy cơ như khủng hoảng xã hội, an ninh quốc gia do vấn đề "thừa nam thiếu nữ" gây ra thì khoản chi này là cần thiết.
Bên cạnh các biện pháp trên, Bộ Y tế còn đề xuất việc xử phạt nghiêm các hành vi có thể gây mất cân bằng giới tính khi sinh như: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000- 1000.000 đồng với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm người sinh con một bề; phạt tới 2 triệu đồng với người dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính...
Dự thảo này đã được đưa ra từ năm 2007 nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua vì những lý do hành chính.
Một lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội cho rằng, về phía cơ quan nhà nước thì việc thực hiện và ngân sách để hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là hoàn toàn làm được. Theo ông, việc hỗ trợ về kinh tế nếu đứng riêng sẽ không hấp dẫn lắm, khi mà mong muốn có con trai ở một bộ phận dân số rất mạnh mẽ, nhưng nếu thực hiện cùng các phương pháp đồng bộ khác là tuyên truyền, vận động thì rõ ràng có ý nghĩa tốt.
"3.000 tỷ đồng là một con số không nhỏ, có thể làm được rất nhiều việc, nhưng nếu vì một mục tiêu lớn như giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thì nó hoàn toàn xứng đáng", vị này nêu ý kiến.
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, nếu không có các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ "dư thừa" từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. Các nước xung quanh cũng lâm vào tình trạng tương tự, như: Trung Quốc "thừa" 67 triệu nam giới, Ấn Độ "thừa" 42 triệu nam giới... Tổng 14 quốc gia trên thế giới "dư thừa" khoảng 117 triệu nam.
Vương Linh