Các tác giả của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau. Sơn dầu, sơn mài, giấy dó... được ưa chuộng trong các tranh của Nguyễn Thế Hùng, Bùi Quốc Khánh, Phạm Trà Mỵ, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Thế Dung... Vũ điệu trên nhà thờ đá Sapa của Trịnh Minh Tiến được sơn trên nắp capo, Triệu Minh Hải vẽ bút bi trên toan, Nguyễn Văn Hè gò tác phẩm Trò chơi hoa từ vỏ pháo 105mm trong khi Nguyễn Văn Đủ sử dụng máu bò vẽ tranh. Nhiều tác phẩm tổng hợp chất liệu từ gỗ, sơn, sắt, giấy bồi, keo, đất đá hay điêu khắc gỗ, sắt hàn, đồ gốm. Phong cách tác phẩm đa dạng: pop art, hiện thực, siêu thực, trừu tượng.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - đánh giá cao tinh thần sẵn sàng đổi mới, sáng tạo của các tác giả trẻ. Ông nói: "Triển lãm như cuộc cách mạng thị giác, thẩm mĩ, hướng tới những cái đẹp mới, không lặp lại thế hệ đi trước. Tiếng nói, ngôn ngữ nghệ thuật họ sử dụng đặt ra các vấn đề của xã hội đương đại. Tuy vậy, âm hưởng truyền thống không mất đi mà vẫn ẩn kín trong tâm hồn họ".
Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ từng tổ chức triển lãm đầu tháng 6, giới thiệu những gương mặt mới, có người đang là sinh viên, mới ra trường. Trong lần trưng bày thứ hai, nhóm kết nối các họa sĩ tuổi từ 30 tới 40 từ ba miền Bắc - Trung - Nam. Có khoảng tám nghệ sĩ tới từ miền Trung, Nam như Nguyễn Văn Hè, Nguyễn An, Trương Thế Linh...
"Sau dịch, xã hội Việt Nam nhiều biến động, triển lãm là cuộc gặp gỡ của những người sung sức nhất, đang hoạt động, phần nào thể hiện thực tế nghệ thuật đương đại trên mảnh đất hình chữ S", họa sĩ Đỗ Hiệp - chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ - nói.
Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành lập từ những năm 1990, là cái nôi của nhiều thế hệ họa sĩ tài năng, hoạt động hăng hái. Hàng năm, câu lạc bộ tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các thành viên để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tích cực chiêu mộ, hỗ trợ những nghệ sĩ tuổi đời, tuổi nghề còn non trẻ.
Bảo Thư