-
15h00
VN-Index chốt phiên giảm hơn 9 điểm
Đà giảm về dưới 1.400 điểm của VN-Index đã kích hoạt lực cầu bắt đáy tham gia mạnh hơn. Lệnh mua quét nhanh vùng giá thấp giúp thu hẹp sắc đỏ của chỉ số. Tuy nhiên, đà phục hồi phân hóa mạnh khi chỉ tập trung vào một số mã chủ chốt.
Chốt phiên, VN-Index chỉ còn giảm hơn 9 điểm (0,64%), giữ trên ngưỡng 1.410 điểm. VN30-Index trở lại sắc xanh vào cuối phiên nhờ nhóm ngân hàng, tăng gần 3 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index chỉ còn giảm chưa tới 0,2%.
Tuy đà giảm thu hẹp, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 287 mã giảm trên HoSE, so với 112 mã tăng. Trong nhóm VN30, 22/30 mã bluechip ở dưới tham chiếu.
Sự ổn định của hệ thống mới giúp thanh khoản HoSE đạt hơn 28.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Riêng nhóm VN30 giao dịch gần 17.000 tỷ đồng.
Tương tự phiên sáng, lực kéo của thị trường chủ yếu là nhóm ngân hàng và một số mã bluechip. TCB chốt phiên tăng hơn 6%, đóng góp 3,5 điểm vào mức tăng chung. MWG cũng chốt phiên có thêm hơn 6%, TPB tăng 4,1%, STB có thêm 3,5%, VPB, FPT, HDB, VHM chốt phiên trên tham chiếu.
Ngược lại, VRE bất ngờ giảm sàn sau ATC, GAS mất gần 5%, REE, NVL giảm hơn 3%, TCH, POW, SSI, VIC, SBT mất hơn 2% thị giá.
Khối ngoại hôm nay giữ trạng thái bán ròng, nhưng giá trị chưa tới 100 tỷ đồng.
-
14h00
Cổ phiếu chứng khoán đứt mạch thăng hoa
Trong báo cáo cuối tuần, nhiều nhóm phân tích kỳ vọng cổ phiếu chứng khoán tuần này sẽ tiếp tục lên nhanh, dẫn dắt thị trường nhờ có thông tin hỗ trợ là HoSE vận hành hệ thống giao dịch mới và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II sắp đến.
Tuy nhiên, diễn biến phiên đầu tuần thể hiện điều ngược lại khi chỉ có AGR, VDS và VCI ngược dòng thị trường. Trong khi đó, SSI – cổ phiếu chứng khoán duy nhất nằm trong rổ VN30 – đã đứt mạch tăng nóng khi giảm 2,8% xuống 56.300 đồng. Khối lượng giao dịch SSI hiện xấp xỉ 18 triệu cổ phiếu, vượt xa các mã còn lại trong nhóm chứng khoán. HCM, APG, VIX cũng giảm từ 2-3%. Các mã đang giao dịch trên sàn Hà Nội như VND, BSI, MBS cũng có mức giảm tương tự.
-
13h40
Chỉ số mất hơn 20 điểm
Nhà đầu tư xả hàng trên diện rộng sau giờ nghỉ trưa khiến chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM bị nhấn sâu, có lúc giảm hơn 20 điểm so với tham chiếu và mất mốc 1.400 điểm. Bốn cổ phiếu vốn hoá lớn nhất là VCB, VIC, VHM và HPG đứng đầu trong danh sách những mã tác động tiêu cực đến thị trường khi mất 1-2%.
Số lượng cổ phiếu giảm lên đến 310 mã, gấp hơn bốn lần cổ phiếu tăng. Rổ VN30 đóng góp 22 cổ phiếu giảm, trong đó NVL đứng đầu khi mất 3,5% còn 114.800 đồng.
Giá trị giao dịch đã vượt 21.000 tỷ đồng - ngưỡng thường xuyên xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh trước đây. Việc đặt lệnh, gửi và nhận kết quả tại nhiều công ty chứng khoán đang diễn ra thông suốt.
-
11h30
Thanh khoản HoSE đạt gần 16.000 tỷ đồng
Áp lực chốt lời tăng vọt trong phiên sáng nay nhưng lực cầu đỡ vùng giá thấp cũng vào nhanh giúp thị trường giao dịch sôi động. Hệ thống giao dịch ổn định góp phần giúp HoSE bùng nổ thanh khoản trong phiên, với giá trị giao dịch đạt gần 16.000 tỷ đồng vào cuối phiên sáng. Riêng nhóm VN30, thanh khoản đạt gần 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, bảng giá một số công ty chứng khoán xảy ra tình trạng chậm cập nhật về giá trị thanh khoản.
VN-Index chốt phiên sáng giảm hơn 13 điểm (0,92%) về 1.407 điểm. VN30-Index ở chiều ngược lại khi tăng hơn 3 điểm (0,21%) lên gần 1.558 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm nhẹ dưới tham chiếu.
Đến cuối phiên sáng, sắc đỏ chiếm áp đảo với gần 300 mã giảm trên HoSE, so với 82 mã tăng. Trong nhóm VN30, trạng thái cũng tương tự với 22/30 mã giảm.
Chỉ số của nhóm bluechip vẫn tăng nhờ một số mã vốn hóa lớn, trong đó MWG dẫn đầu đà tăng với biên độ 5,2%. TCB, TPB và STB là những mã tích cực nhóm ngân hàng. Ngoài ra, FPT, PNJ cũng vượt trên tham chiếu vào cuối phiên sáng.
Ngược lại, SSI là mã giảm mạnh nhất, mất gần 3%, VRE, STB, MSN, NVL, REE, VCB, giảm hơn 2%.
-
11h20
VN-Index hiển thị không đồng nhất
Đồ thị và trạng thái VN-Index trên bảng điện tử của các công ty chứng khoán hiển thị không đồng nhất trong cùng một thời điểm.
Ví dụ lúc 11h10, chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM tại Công ty Chứng khoán SSI đang giảm 17,15 điểm nhưng tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) giảm 16,69 điểm. VNIRECT cùng lúc đó hiển thị VN-Index đang giảm 16,18 điểm, trong khi tại TVSI và VCSC lần lượt giảm 16,97 và 17,09 điểm.
-
11h00
MWG và cổ phiếu ngân hàng đỡ thị trường
VN30-Index cho tới cuối phiên sáng vẫn giữ sắc xanh, dù thị trường chìm trong sắc đỏ. Đứng đầu đà tăng là cổ phiếu MWG, với biên độ hơn 5%. Mã tăng tăng mạnh sau khi ra tin chia cổ tức tỷ lệ 60% (chỉ bằng tiền tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 50%).
Ngoài MWG, nhóm ngân hàng cũng khởi sắc với TCB và TPB tăng trên 2%, STB vượt tham chiếu. Ngược lại, SSI là mã giảm mạnh nhất, mất 3,5% khi lực bán tăng nhanh. Áp lực không riêng mã này mà là xu hướng chung của cổ phiếu chứng khoán, những cái tên dẫn đầu đà tăng trong nhịp gần đây như MBS, BSI, SHS đều giảm sâu dưới tham chiếu. Ở các nhóm khác, NVL, VRE, SBT, REE, PLX, VCB, MSN, BID chìm trong sắc đỏ.
-
10h45
Áp lực bán tăng mạnh
Nhịp giao dịch giằng co dưới tham chiếu khiến nhiều nhà đầu tư mất dần bình tĩnh, tăng bán tăng vọt khi thời gian bước qua giữa phiên sáng. Đến 10h50, VN-Index giảm hơn 21 điểm (1,44%). VN30-Index ở chiều ngược lại khi vẫn giữ sắc xanh nhờ đà tăng của MWG, TCB, TPB. Áp lực chốt lời cùng lực cầu đỡ lại ở vùng giá thấp đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt. Giá trị giao dịch riêng HoSE đạt gần 12.000 tỷ đồng đến 10h50, nhóm VN30 giao dịch hơn 4.100 tỷ đồng.
-
10h15
CEO HoSE: 'Hệ thống đang chạy mượt mà'
Ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết trước 9h, hệ thống mới đã kết nối thành công với 73 công ty chứng khoán và sẵn sàng cho phiên giao dịch. Đến lúc này, hệ thống vẫn đang chạy mượt mà.
Theo ông Trà, mỗi công ty chứng khoán có một hệ thống giao dịch khác nhau để kết nối với Sở. Khi xây dựng hệ thống khớp lệnh mới, HoSE và FPT hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống của các công ty chứng khoán. Do đó, việc một số công ty gặp trục trặc hiện tại chỉ mang tính cục bộ.
Người đứng đầu HoSE nói thêm đơn vị vận hành thị trường đã bố trí đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ các công ty chứng khoán khi họ gặp vấn đề. Tuy nhiên, việc dừng giao dịch trực tuyến trên hệ thống giao dịch trực tuyến (như trường hợp của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) là quyết định nội bộ và HoSE không thể can thiệp. Nhà đầu tư tại Yuanta Việt Nam sáng nay không thể truy cập bảng giá trên website cũng như ứng dụng vì các dịch vụ này bị gián đoạn để nâng cấp hệ thống từ 9-11h30)
-
10h00
Bảng giá chập chờn
Khoảng một giờ sau khi hệ thống mới vận hành, lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho biết hệ thống giao dịch đã trơn tru.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress, tình trạng không cập nhật đủ thông tin trên bảng điện tử đang xảy ra cục bộ tại một số công ty chứng khoán. Điển hình như bảng giá của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) không hiển thị lịch sử khớp lệnh, đồ thị VN-Index tại Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) không khớp với các công ty chứng khoán khác...
Chị Thanh Hoa, ngụ TP Thủ Đức, cho biết việc giao dịch tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đang gặp trục trặc. Chị gửi hai lệnh mua DLG tgiá 3.350 đồng nhưng khi bảng giá hiển thị cổ phiếu này còn 3.300 đồng vẫn chưa thể khớp.
Cá biệt tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhà đầu tư không thể truy cập bảng giá trên website cũng như ứng dụng vì các dịch vụ này bị gián đoạn để nâng cấp hệ thống từ 9-11h30.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Quyền Tổng giám đốc Yuanta Việt Nam cho biết, quá trình kết nối với hệ thống của HoSE vẫn ổn định nhưng sau đó hệ thống của công ty này phát sinh vấn đề. Đội ngũ kỹ thuật đang khẩn trương xử lý để mở lại kết nối vào đầu phiên chiều.
"Trong lúc này, nhân viên quản lý tài khoản sẽ hỗ trợ đặt lệnh cho nhà đầu tư", ông Tùng nói.
-
Hệ thống mới của HoSE khác hệ thống cũ của Thái Lan thế nào
Không chỉ tăng năng lực xử lý gấp 3-5 lần hệ thống cũ, hệ thống HoSE do FPT xây dựng còn loại bỏ cơ chế phân bổ lệnh và có thể chỉnh sửa khi gặp sự cố.