Tổng chiều dài các đoạn ngập là hơn 34 km. Trong đó, nghiêm trọng nhất là qua tỉnh Vĩnh Long với 10 điểm, hơn 7,6 km, ngập sâu 0,2-0,7 m. "Một km bị ngập nặng ở huyện Tam Bình đang được ưu tiên sửa trước, với kinh phí 21 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý) nói.
Mặt đường tại khu vực này đang được nâng lên gần một mét. Dự án sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12. Các vị trí còn lại qua tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ được phân bổ vốn xử lý trong năm 2020-2021.
Theo ông Thành, các đoạn chờ nâng nền sẽ được lắp đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng điều tiết giao thông và giúp các xe bị chết máy. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các địa phương tuyên truyền để người dân chủ động, sắp xếp thời gian đi lại an toàn mỗi khi triều cường.
Về lâu dài, Cục Quản lý đường bộ IV đề xuất Tổng cục Đường bộ hai giải pháp khác để chống ngập trên quốc lộ. Đó là xây đập ngăn triều tại các cửa kênh, rạch chính trong khu vực có cốt nền thấp. Kế đến là xây tường chắn nước dọc theo quốc lộ ngăn với kênh rạch. "Hai giải pháp này cần nghiên cứu thấu đáo vì kinh phí lớn, tác động nhiều người dân...", ông Thành nói.
Ngoài ra, các địa phương cần giải tỏa nhà "ổ chuột" trên kênh rạch dọc quốc lộ; nạo vét bùn lắng và vớt rác, lục bình để khơi thông dòng chảy. Tại các khu đô thị mới, cần dành 10% quỹ đất để đào hồ sinh thái trữ nước, vừa chống ngập úng khi mưa lớn và cung cấp nước sinh hoạt, vừa cải tạo khí hậu...
Quốc lộ 1 dài 2.360 km, điểm đầu ở Lạng Sơn và kết thúc tại mũi Cà Mau, đi qua 31 tỉnh, thành. Tuyến đường ở miền Tây dài hơn 420 km, qua 8 tỉnh, thành.
Cửu Long