Với kịch bản lạc quan nhất, số người thất nghiệp chỉ còn 5,3 triệu người. Còn kịch bản trung bình là 13 triệu, trong đó có 7,4 triệu thuộc các nước thu nhập cao. Dù vậy, nếu các quốc gia phối hợp chính sách với nhau, tác động có thể giảm đáng kể.
Dự báo của ILO dựa trên số liệu 188 triệu lao động toàn cầu năm 2019. ILO cảnh báo dù các ước tính này "không chắc chắn", nó cũng phản ánh "tình trạng thất nghiệp sẽ tăng mạnh". Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009, khoảng 22 triệu người bị thất nghiệp.
Đại dịch đang khiến hàng loạt quốc gia phong tỏa, hoạt động kinh tế bị đình trệ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trong báo cáo, ILO chỉ ra lao động toàn cầu sẽ mất 860 – 3.400 tỷ USD vì thất nghiệp.
Thu nhập sụt giảm sẽ đẩy người lao động đến gần, hoặc xuống dưới mức nghèo khổ. Thế giới sẽ có thêm hơn 35 triệu người lao động ở mức nghèo khổ so với thời kỳ trước đại dịch.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết đại dịch không còn là "một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà đã trở thành khủng hoảng kinh tế và lao động". "Năm 2008, thế giới đã hợp tác để giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính. Điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Chúng ta giờ cũng cần làm như vậy", ông nói.
Các khuyến nghị chính sách của ILO là bảo vệ người lao động, như khuyến khích làm việc linh hoạt. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng đang hạ lãi suất, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, các chính phủ đã công bố hỗ trợ tài khóa để xoa dịu tác động lên doanh nghiệp và người lao động.
Hà Thu (theo CNBC)