2021 đánh dấu 25 năm hoạt động và phát triển của OCB. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngân hàng có nhiều cảm xúc khi nhìn lại chặng đường một phần tư thế kỷ đã qua. Từ khởi đầu khó khăn với vô số tác động từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, OCB dần trụ vững, từng bước vươn lên nhóm ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả .
Khởi đầu khó khăn
Năm 1996, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chính thức thành lập với tên Oricom Bank, vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Một năm sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế, ngân hàng cũng không ngoại lệ.
Năm 2000, Hiệp ước Thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết, hứa hẹn tăng trưởng mọi lĩnh vực, xuất khẩu cao hơn... Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO (2006), nền kinh tế ngày càng hội nhập với khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo các cơ hội cho doanh nghiệp cũng như ngành tài chính ngân hàng. Thời điểm này, OCB dần ổn định và phát triển.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ lan nhanh ra các nước, dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam cũng chịu nhiều thách thức như lạm phát, thị trường bất động sản đóng băng, tỷ lệ lao động thất nghiệp cao kỷ lục. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm, thậm chí thua lỗ, nợ xấu tăng lên, căng thẳng về hệ thống thanh khoản... OCB khi ấy vẫn là nhà băng trẻ, không tránh khỏi khó khăn.
Hành trình bứt phá, tăng trưởng
Cuối năm 2010, OCB bắt đầu "lột xác" nhờ hoạch định lại chiến lược, thực hiện tái cấu trúc mô hình tổ chức sâu rộng ở mọi hoạt động kinh doanh. Ngân hàng cũng xây dựng lại đội ngũ nhân sự, nâng cao năng lực nhân viên, nhất là cấp ban điều hành, đồng thời chú trọng công tác quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế.
Thời gian đầu tái cấu trúc, OCB phải đối mặt với hậu khủng hoảng của ngành tài chính ngân hàng (2011-2013), nhưng nhờ định hướng kịp thời của HĐQT, sự chỉ đạo của Ban điều hành và đồng lòng, quyết tâm của toàn thể CBNV, doanh nghiệp dần vượt qua sóng gió.
"Chúng tôi trở thành một trong những nhà băng 'về đích' sớm nhất trong tiến trình tái cơ cấu giai đoạn một của ngành, các chỉ số hoạt động luôn đảm bảo, phù hợp với tiêu chuẩn cao nhất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam", đại diện OCB nói.
Năm 2016, doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô và lợi nhuận, vượt xa mức trung bình ngành. Một năm sau, OCB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II.
OCB hiện có mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước với hơn 134 điểm giao dịch. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, là ngân hàng hàng đầu trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam ở lĩnh vực này.
Năm 2018, OCB tuyên bố là ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam, cho phép khách hàng đồng nhất các kênh giao dịch qua ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI. Sau gần ba năm triển khai, đơn vị thành công chuyển đổi số toàn diện, hướng đến các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại được số hóa trên nền tảng công nghệ cao, thông qua đẩy mạnh kết nối OPEN API với các đối tác lớn, công ty fintech, trường học, bệnh viện... Doanh nghiệp còn áp dụng thanh toán qua QR Code, nhận diện sinh trắc học, công nghệ định danh trực tuyến (eKYC), marketing automation, AI Call, Chat box...
Giai đoạn 2016-2020, kết quả kinh doanh của OCB bứt phá, với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận giữ vị trí số một trên toàn hệ thống. Vốn điều lệ tăng gần ba lần, từ 4.000 tỷ lên 10.959 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng cũng gấp ba lần về quy mô trong 5 năm, nhờ tập trung mạnh mẽ ở mảng Bán lẻ lẫn khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). OCB đạt Top 4 nhà băng hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam, do Forbes bình chọn. Mức sinh lời tốt khi lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROAA) và lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đứng thứ hai toàn hệ thống. Các chỉ số này cho thấy "sức khỏe tài chính" của OCB rất tốt trên thị trường hiện nay.
Nhờ tiềm năng tăng trưởng liên tục, OCB được Moody’s Investor Service, khẳng định xếp hạng tín nhiệm với triển vọng "tích cực". Ngân hàng tiếp tục duy trì bậc xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA-counterparty risk assessment) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR-counterparty risk ratings) ở mức Ba3, thuộc nhóm cao ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài đề cao khả năng sinh lợi nhuận so với mức bình quân của thị trường, Moody’s còn đánh giá nguồn vốn của OCB ổn định qua các đợt tăng vốn điều lệ, nhất là sự tham gia của cổ đông chiến lược - Ngân hàng Nhật Bản Aozora (AOZ) năm 2020, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 15%. Cuộc hợp tác này được vinh danh Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2020.
Ngày 28/1/2021, OCB niêm yết trên sàn HoSE với hơn một tỷ cổ phiếu, chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng (ghi nhận ngày 11/6), cho thấy giá trị và năng lực tài chính của ngân hàng.
Các năm gần đây, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của OCB đạt hơn 3.000 đồng và mức chia cổ tức cho các cổ đông ở mức 25%.
Theo báo cáo quý I/2021, OCB nằm trong nhóm 22 doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận trên nghìn tỷ. Trước đó một năm, đơn vị cũng vào Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống.
Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết: "Những thành tựu suốt 25 năm qua đã khẳng định vị thế của chúng tôi trên hành trình xây dựng niềm tin, đem đến thịnh vượng cho cổ đông, đối tác và khách hàng. Với sự chuẩn bị đầy đủ về con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống quản trị hiệu quả... OCB tự tin sẽ đạt mục tiêu vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân tại Việt Nam".
Vạn Phát